Trong những ngày qua, bà con nông dân trong tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Người dân thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) che nilon giữ ấm cho mạ.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ ngày 21 đến 28/1 trên địa bàn tỉnh xảy ra một đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 9°C, vùng núi cao có thể xuống thấp hơn.
Người dân bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn) cho đàn vật nuôi về chuồng chăm sóc.
Khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, gia đình ông Vi Văn Sao, bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn) đã đưa đàn bò chăn thả đồi về nuôi nhốt tại chuồng và cho ăn kết hợp các loại thức ăn thô, xanh nhằm bảo đảm dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đồng thời, sử dụng bạt che chắn không để gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại. Vào ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ xuống thấp, gia đình ông còn đốt lửa để sưởi ấm cho vật nuôi. Nhiệt độ ở đây vào mùa đông thường xuống rất thấp, có thời điểm rét đậm xuất hiện sương muối nên hầu như đàn bò không thể đi kiếm ăn thêm được. Vì vậy, gia đình đã chủ động trồng cỏ voi, chuối hột để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Người dân xã Lương Sơn (Thường Xuân) úm trấu, mùn cưa sưởi ấm cho đàn vật nuôi.
Vụ xuân 2024, huyện Quan Sơn có kế hoạch gieo cấy 1.100 ha lúa, đến ngày 23/1 nông dân các xã, thị trấn đã cấy được gần 50% diện tích. Trong chăn nuôi, toàn huyện Quan Sơn hiện có khoảng 1.194 con trâu, 6.350 con bò, 9.586 con lợn và 220.000 con gia cầm… Theo ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, trong những ngày qua, huyện thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh rét cho cây trồng, vật nuôi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn cử cán bộ xuống thôn, bản hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, yêu cầu các hộ đưa gia súc chăn thả về chuồng nuôi để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các cánh đồng trên địa bàn huyện Đông Sơn được điều tiết mực nước thích hợp để giữ ấm cho diện tích lúa mới cấy.
Tại các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn… từ ngày 22 đến sáng 24/1 nhiệt độ xuống thấp, nông dân đã tạm dừng việc cấy lúa và tập trung che chắn, chăm sóc cho diện tích mạ xuân, chờ khi thời tiết ấm lên mới đưa mạ ra cấy. Trên đồng ruộng, gần như 100% diện tích mạ chưa cấy đều được người dân che phủ nilon và điều tiết lượng nước phù hợp trên ruộng để giữ ấm cho mạ. Đang che chắn nilon cho luống mạ, bà Tống Thị Huệ, thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), cho biết: Để bảo vệ diện tích mạ, ngoài che phủ bằng nilon, chúng tôi phải giữ đủ nước cho mạ, tuyệt đối không để khô hạn. Đối với mạ non cần giữ nước ở rãnh và kết hợp rắc tro bếp lên trên mặt luống để giữ ấm, giữ ẩm cho mạ.
Nông dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) giữ ấm cho mạ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến sáng 24/1 nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo cấy được gần 41.000 ha lúa vụ xuân, đạt 35% kế hoạch. Ngoài ra, nông dân ở các địa phương đã gieo 3.271 tấn lúa giống các loại, trong đó giống lúa lai 1.799 tấn, giống lúa thuần 1.471,9 tấn. Ghi nhận trên các xứ đồng, mặc dù mưa rét, nhưng nhiều nông dân ở các huyện, thị xã, thành phố tích cực ra đồng để thực hiện các biện pháp chống rét cho diện tích lúa đã cấy và mạ vụ xuân.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra đối với cây trồng trên địa bàn tỉnh, những ngày qua đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyệt đối không để cho người dân gieo mạ, cấy lúa trong những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 0C. Trong những ngày này, đơn vị thường xuyên cửa cán bộ phối hợp với các địa phương bám sát đồng ruộng hướng dẫn người dân giữ nước thường xuyên trên mặt luống từ 2-3 cm để dưỡng mạ và giữ ấm cho mạ; thực hiện che phủ nilon toàn bộ diện tích mạ đã gieo khi nhiệt độ xuống dưới 130C để bảo vệ mạ. Không bón thúc phân đạm vào những ngày có nhiệt độ thấp dưới 15 0C, đảm bảo cho cây mạ sinh trưởng tốt. Đối với diện tích trà lúa đã cấy, hướng dẫn người dân giữ nước thường xuyên trên mặt ruộng từ 3-4 cm để dưỡng lúa và giữ ấm cho lúa và không bón thúc phân đạm vào những ngày có nền nhiệt độ thấp dưới 150C. Hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh, các bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời đến người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại đối với cây trồng.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi tại xã Lương Sơn (Thường Xuân).
Để công tác phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi đạt hiệu quả, ngày 23/1/2024, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và bị động trong việc phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn quản lý.
Hải Đăng – Kim Ngọc