Để chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn, các đơn vị thủy nông đang tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ sản xuất chiêm xuân.
Thi công công trình cải tạo kênh Phượng – Quý (Hoằng Hóa).
Vụ chiêm xuân năm 2025, Chi nhánh Thủy lợi huyện Hậu Lộc (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc sông Mã) ký hợp đồng phục vụ nước tưới cho 4.500ha lúa. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đã gieo cấy xong và Nhân dân huyện Hậu Lộc đang tập trung chăm sóc. Ông Nguyễn Thành Chinh, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Hậu Lộc cho biết: “Thời điểm này, diện tích lúa xuân đang phát triển tốt và nguồn nước tưới cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, trên địa bàn huyện dự kiến sẽ có 603ha lúa bị thiếu nước và xâm nhập mặn, tập trung rải rác ở các xã: Quang Lộc, Phong Lộc, Liên Lộc, Hòa Lộc và các xã Đông kênh De”.
Để đối phó với tình trạng này, chi nhánh đã có phương án cắt cử cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ trong ngày tại các vị trí cửa lấy nước bị ảnh hưởng của thủy triều và độ mặn. Đồng thời, tranh thủ tối đa thời gian khi nguồn nước đảm bảo, mở cống vận hành công trình bơm trữ nước vào kênh, mương, ao, hồ nội đồng bằng các trạm bơm dã chiến để tích nước. Đảm bảo nguồn nước tưới và tránh lãng phí, chi nhánh đã yêu cầu cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt chính xác vị trí cần nước, có kế hoạch bơm tưới nước kịp thời, đúng mục đích, tiết kiệm, thực hiện chốt giữ nước, đảm bảo đủ nước phục vụ công tác dưỡng lúa.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc sông Mã hàng năm phục vụ tưới và tiêu cho 77.348ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn và một số xã nằm phía bờ Bắc sông Mã của TP Thanh Hóa. Hiện nay công ty đang quản lý 99 trạm bơm lớn, nhỏ với 570 máy bơm và 123 tuyến kênh mương tưới tiêu. Vụ chiêm xuân năm 2025, công ty đảm nhận nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 20.592,23ha lúa. Ông Đặng Đình Tuấn, giám đốc công ty cho biết: “Nếu xảy ra nắng nóng kéo dài vào giai đoạn giữa và cuối vụ chiêm xuân 2025, diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước và xâm nhập mặn, dự kiến trên 3.000ha (trong đó, diện tích xâm nhập mặn từ 300 – 400ha), tập trung tại các địa phương ven biển: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn. Đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông trực thuộc phân công nhân lực thay ca thường trực tại các trạm bơm và cửa lấy nước dọc các sông, 15 phút đo độ mặn tại các cửa cống lấy nước một lần để khi có nguồn nước ngọt là tranh thủ vận hành hết công suất trạm bơm, bơm về hệ thống kênh dẫn, hồ chứa”.
Các tháng vừa qua, công ty và các chi nhánh trực thuộc cũng đã ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, kênh sông Ấu, sông Cồn Long. Hiện nay đang tiến hành nạo vét kênh Thanh Niên (Bỉm Sơn), góp phần tăng lượng nước trữ cho kênh nội đồng. Bên cạnh đó, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh quản lý nước chặt chẽ, tưới nước luân phiên, tiết kiệm và tránh lãng phí nguồn nước.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, nắng nóng đầu mùa có thể xảy ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Nhận định của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, nếu nắng nóng kéo dài trên diện rộng, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 13.300 – 17.200ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đuôi kênh của các hệ thống kênh lấy nước từ hồ Cửa Đạt, hồ sông Mực, hồ Yên Mỹ và vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã, hạ du sông Bưởi… Vùng ven biển có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, xâm nhập mặn tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã, thành phố khu vực ven biển và TP Thanh Hóa thuộc vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã. Đây là vùng các trạm bơm lấy nước từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De, sông Yên…
Để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước và xâm nhập, ngoài tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2025, Chi cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn. Đồng thời, khuyến cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng ven biển và các công ty khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch thủy triều, mực nước sông và độ mặn ở vùng triều để đóng, mở các cống, bơm nước vào kênh, đồng ruộng để tích trữ nước khi chất lượng nước bảo đảm yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời khi xảy ra.
Bài và ảnh: Minh Lý
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chu-dong-phong-chong-han-va-xam-nhap-man-245165.htm