Sáng 23/10, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10-2023 nghe báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2023 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2023 do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp nêu rõ: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế – xã hội tháng 10, năm 2023 của tỉnh tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển.
Trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 17,52% so với tháng trước và tăng 3,28% so với cùng kỳ; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 13,9%, tổng thu du lịch tăng 28,5% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải tăng 12,3%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 36,4% so với cùng kỳ.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2023.
Chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục được nâng lên. Lần đầu tiên tỉnh ta có học sinh đạt Giải nhất Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa giành Siêu cúp Quốc gia năm 2023; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống Nhân dân được cải thiện.
Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, nhất là các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, không để bất ngờ bị động xảy ra.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 năm 2023 vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Thu ngân sách Nhà nước cơ bản đạt dự toán được giao (đạt 90% dự toán) nhưng số thu tháng 10 tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ, nhất là số thu tiền sử dụng đất giảm 43,4%. Kết quả thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn đạt thấp so với kế hoạch…
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Bá Oai phát biểu tại phiên họp.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được nhận diện đó là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều bất ổn, sức tiêu thụ hàng hóa ở một số thị trường truyền thống giảm, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua đã tác động đáng kể đến kết quả thu ngân sách trong ngắn hạn của tỉnh.
Cùng với đó là tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong giải quyết công việc; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở một số ngành, địa phương chưa cao…
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn phát biểu tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thêm những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Trong đó nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu phân tích, đánh giá kỹ như: hoạt động thu ngân sách Nhà nước; công tác quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời nhấn mạnh: Mặc dù vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp so với cùng kỳ, song trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung, kết quả đạt được đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phân tích và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém liên quan đến việc thực hiện kết luận về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại một số sở, ngành, đơn vị; việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương, đơn vị có biểu hiện lơ là, thực hiện chưa nghiêm theo quy định, chỉ đạo… và yêu cầu các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận, sớm đưa ra các giải pháp khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ được đề ra trong báo cáo, đồng thời nhấn mạnh: Tình hình tháng 11/2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải vững tâm, thể hiện quyết tâm cao hơn nữa, không hoang mang, dao động, thống nhất quan điểm chỉ đạo, chủ động các phương án, kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước; rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để lọt, sót các nguồn thu; đôn đốc các khoản nợ kéo dài, quá hạn, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương không chủ quan trong công tác phòng, chống lụt bão và trước diễn biến của dịch bệnh. Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư cho năm 2024 tạo động lực mới cho sự phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các chủ đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời lưu ý các ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 sát với dự báo tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025; Báo cáo đề nghị UBND tỉnh không ban hành Quyết định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Đề án phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số nội dung quan trọng khác.
Phong Sắc