Mấy ngày qua, do bão số 4, nước sông Lèn lên nhanh, tràn vào 2 thôn Chuế Cầu và Bình Lâm (xã Yến Sơn) và tiểu khu Tương Lạc (thị trấn Hà Trung) thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, khiến nhà cửa của hơn 700 hộ dân bị ngập sâu trong nước.
Thôn Chuế Cầu nằm sát ngoài đê sông Lèn, có hơn 100 hộ dân bị ngập. Các hộ ở đây chủ yếu làm trang trại và nuôi thủy sản. Khi nước lên, toàn bộ 15ha ao nuôi cá của người dân bị mất trắng.
Thôn Chuế Cầu bị nước ngập trắng. Ảnh: Lê Dương
Ngồi bần thần trong chiếc lán dựng tạm trên bờ đê, ông Lê Đăng Hải (SN 1976, thôn Chuế Cầu) cho biết gia đình ông làm trang trại với diện tích khoảng 2ha. Trong đó có hơn 1ha làm ao nuôi cá, còn lại là chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt.
“Đêm 22, rạng sáng 23/9, nước sông Lèn dâng lên rất nhanh. Tôi nghĩ, như mọi năm, nước chỉ lên mấp mé ao nên đã dùng lưới quây, phòng tránh cá thoát ra ngoài. Ai ngờ, trong chớp mắt, nước ngập gần lút mái nhà, toàn bộ ao cá hơn 1ha của gia đình mất trắng”, ông Hải xót xa nói.
Ông Hải xót xa vì ao cá của gia đình bị mất trắng. Ảnh: Lê Dương
Theo ông Hải, khoảng chục năm nay mới có đợt nước lũ dâng cao như vậy. Khi nước lên, gia đình chỉ kịp đưa hơn 500 con gà lên bờ đê. Vì lo cứu gà, gia đình chỉ dọn dẹp được vài thứ đồ đạc trong nhà.
“Trận lụt này coi như nhà tôi mất trắng. Trại lợn hàng trăm con của gia đình, tháng 6 vừa qua bị dịch làm chết hết, ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Gia đình trông chờ vào ao cá để gỡ gạc thì cũng bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại của ao cá khoảng 150 triệu đồng”, ông Hải buồn bã nói.
Cũng như ông Hải, gia đình ông Phạm Văn Trình (thôn Chuế Cầu) cho biết, nhà ông có khoảng 1,2ha ao nuôi cá. Cuộc sống của cả gia đình ông trông chờ vào ao cá, mỗi năm mang lại thu nhập từ 120-150 triệu đồng. Bây giờ coi như mất trắng.
Nước lũ lên nhanh, gia đình ông Hải chỉ kịp cứu đàn gà. Ảnh: Lê Dương
Các hộ dân ở thôn Chuế Cầu mang lợn lên đê nuôi tạm thời. Ảnh: Lê Dương
Ông Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, nước đã rút xuống khoảng 1m nhưng ông vẫn chưa thể về được nhà.
“Giờ chúng tôi chỉ mong sao nước rút nhanh để làm vệ sinh, sớm tái sản xuất. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm cung cấp dung dịch khử khuẩn để hạn chế các mầm bệnh”, ông Trình cho hay.
Đồ đạc trong nhà được ông Hải đưa lên đê, dựng lán ở tạm. Ảnh: Lê Dương
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn cho biết, xã có 2 thôn Chuế Cầu và Bình Lâm nằm ở ngoài đê sông Lèn bị ngập hoàn toàn. Tổng số hộ bị ngập là 513 hộ (thôn Bình Lâm có 399 hộ, thôn Chuế Cầu có 114 hộ).
Khu trang trại của gia đình ông Hải bị ngập nước tới gần nóc nhà. Ảnh: Lê Dương
Theo ông Nhân, hôm 22/9 khi mực nước sông Lèn lên cao, ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã đã huy động tất cả lực lượng xuống hỗ trợ nhân dân các thôn bị ảnh hưởng, di dời người và tài sản ra khu vực an toàn. Tuy nhiên, ao nuôi thủy sản của nhân dân thì không kịp trở tay.
“Thôn Chuế Cầu có hơn 15ha nuôi thủy sản, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng, ngoài ra chưa tính các thiệt hại khác. Hiện nay nước lũ đang xuống, chúng tôi đang cho các lực lượng, đoàn thể giúp dân lau dọn nhà cửa, phun khử khuẩn để tránh phát sinh dịch bệnh”, ông Nhân thông tin.
Vietnamnet.vn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chop-mat-nuoc-gan-lut-mai-nha-lao-nong-thanh-hoa-mat-trang-hang-hecta-ao-ca-2325897.html