Nhiều kết quả quan trọng đạt được trong 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) đang và sẽ trở thành điểm tựa để các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đưa hoạt động tín dụng chính sách phát triển bền vững.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và ngân hàng, nhiều mô hình kinh tế của người dân xã Hà Lai (Hà Trung) ngày càng phát huy hiệu quả.
Những dấu ấn nổi bật
Để tinh thần và nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW thật sự lan tỏa và mang lại kết quả tích cực, hằng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thanh Hóa. 100% đơn vị huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết tháng 6/2024, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt trên 633 tỷ đồng, tăng 507 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời để giải ngân cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại điểm giao dịch xã.
Với “kim chỉ nam” là Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH Thanh Hóa và các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, đúng quy định. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, XDNTM, ổn định đời sống Nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn “tín dụng đen”… Trong 10 năm qua, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng. Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 14.382 tỷ đồng, dư nợ tín dụng chính sách của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 2 toàn quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 7,9%. Nợ quá hạn giảm xuống còn 0,07%, đặc biệt có 339/558 xã không có nợ quá hạn. Vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Kết quả trên khẳng định, tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống và là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo. Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay, sáng tạo trong huy động vốn cũng đã được đúc kết. Trong đó, sự lãnh đạo sát sao của Ðảng là bài học quan trọng và có tính quyết định đến thành công của hoạt động tín dụng chính sách.
Phát triển ổn định, bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ, chưa xem đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm bố trí kịp thời nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Việc lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa đồng bộ, hiệu quả. Một số nơi công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH Thiệu Hóa phục vụ người dân vào ngày cố định trong tháng theo phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp tăng cả quy mô và chất lượng tín dụng. Hiệu quả của tín dụng chính sách đem lại đến thời điểm này không chỉ là giá trị kinh tế, mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết và giá trị cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đang từng bước được cải thiện, nâng cao. Đồng thời, tạo tiền đề để người dân hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Phát huy những kết quả đã đạt được và nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn, hướng đến bảo đảm tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của các điểm giao dịch ở xã, phường, thị trấn; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng và có trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát để đồng vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Trên tinh thần chỉ đạo từ Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH các cấp trong tỉnh kỳ vọng chính sách tín dụng không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu, mà còn phải đủ, nhanh để người dân không vì chậm tiếp cận tín dụng mà “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững bên cạnh vai trò của NHCSXH thì các địa phương cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH các cấp trong tỉnh để bổ sung nguồn vốn vay. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục xác định sâu sắc, thực hiện thật tốt Chỉ thị số 40-CT/TW là góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức mình, tích cực quan tâm đi sâu, đi sát đời sống đoàn viên, hội viên và Nhân dân để có những tư vấn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế kịp thời.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân”, phải “làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả…”. Chính vì lẽ đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời cũng ví như sự cụ thể hóa lời căn dặn của Bác. Để rồi, phát huy những kết quả đã đạt được, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chỉ thị, nhằm đưa tín dụng chính sách thực sự trở thành một “trụ cột” quan trọng cho phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Minh Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chi-thi-so-40-ct-tw-khang-dinh-vai-tro-tru-do-trong-cong-cuoc-giam-ngheo-ben-vung-bai-cuoi-de-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-phat-trien-ben-vung-219491.htm