Kiên định mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12, tỉnh Thanh Hóa đã và đang rốt ráo chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung ưu tiên chỉ đạo, điều hành, cũng như nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém và khắc phục, giải quyết các vướng mắc, khó khăn để về đích cuối năm.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên bố trí vốn cho những công trình kết nối đường bộ cao tốc Bắc – Nam với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc. (Trong ảnh: Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua huyện Đông Sơn).
Quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt
Xác định nhiệm vụ thúc đẩy tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, trong 10 tháng qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 30 văn bản, tổ chức 4 hội nghị giao ban toàn tỉnh nhằm quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung chỉ đạo trong thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương. 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, ban hành văn bản chỉ đạo tới cấp ủy, chính quyền về việc thực hiện dự án của các địa phương, các đơn vị.
Đặc biệt, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngày 26/8/2023, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1220-CV/TU về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án sử dụng đất và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2023. Trong đó yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài nguyên, đất đai; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Trên cơ sở đó, ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả tỉnh hoặc chưa giải ngân phải rà soát, làm rõ nguyên nhân và nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2023. Tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các chủ đầu tư, dự án có tiến độ giải ngân cao và có khả năng hấp thụ thêm vốn, không để xảy ra tình trạng các dự án chậm giải ngân vốn do nguyên nhân chủ quan như những năm trước đây.
Thi công nền đường giao thông Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án, đặc biệt là trong công tác GPMB, chuyển mục đích sử dụng đất. UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ công tác tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh, như: tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn; tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; đường Vạn Thiện đi Bến En; đường từ cao tốc Bắc – Nam đi Quốc lộ 1A và Cảng Nghi Sơn; đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa); đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; các dự án sử dụng vốn nước ngoài.
Để không “lụt” tiến độ
Nhận diện những nguyên nhân, cùng nỗ lực vượt khó, hiện nay, các chủ đầu tư đang tích cực tập trung các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Cùng với công tác đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn ứng của chủ đầu tư, các địa phương liên quan trong công tác GPMB cũng đang nỗ lực vào cuộc mạnh mẽ để có mặt bằng bàn giao cho hoạt động thi công những tháng cuối năm.
Ông Lê Bá Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông, cho biết: “Đơn vị đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm với mục tiêu “về đích” 100% trước 31/12. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát nhiệm vụ, kế hoạch được giao, chủ động giải quyết các khó khăn, đơn vị sẽ sát sao nắm bắt các vướng mắc phát sinh ngoài thẩm quyền để kịp thời trình UBND tỉnh chỉ đạo. Mục tiêu của ban là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm đúng yêu cầu tiến độ của các dự án và theo các mốc thời gian, tỷ lệ giải ngân yêu cầu. Cùng với đó, đơn vị cũng đã lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng; quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bố trí thêm các mũi thi công, linh hoạt trong việc triển khai các giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục công trình bảo đảm chất lượng”.
Theo đại diện ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, đơn vị sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường để phối hợp, làm việc với các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện dự án và ký cam kết về tiến độ đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác có đủ điều kiện năng lực. Ngoài ra, đối với hồ sơ thực hiện công tác tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư, đơn vị sẽ giao cho bộ phận liên quan kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, đảm bảo đúng chế độ chính sách và nội dung hợp đồng đã ký, kịp thời đáp ứng tiến độ thi công, phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như kế hoạch vốn được giao.
Tại Ban Quản lý dự án khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS & CKCN), tỷ lệ giải ngân trung bình của 5 dự án do ban làm chủ đầu tư đến nay đạt 358,8/624,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 57,5% kế hoạch vốn được giao. Nguồn vốn còn lại cần giải ngân trong 2 tháng cuối năm là 266 tỷ đồng cũng là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Trên công trường thi công Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, hiện các nhà thầu thi công đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh hoàn thành khối lượng đối với những khu vực đã thực hiện GPMB.
Hạng mục công trình kênh mương thoát nước thuộc Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia đã hoàn thành 90% khối lượng.
Ông Lê Khắc Cường, Phó Trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban Quản lý dự án khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, cho biết: “Hiện nay, rất nhiều mũi thi công đang được chúng tôi triển khai, đặc biệt là hạng mục thi công các tuyến đường và các khu tái định cư. Hiện cả 5 khu tái định cư với tổng diện tích xây dựng khoảng 10 ha trên địa bàn các xã Ninh Hải, Hải Hòa, Bình Minh, Xuân Lâm, Nguyên Bình và hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo kênh thoát nước đã cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng. Cùng với công tác chỉ đạo thi công bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế, các cán bộ phụ trách và đơn vị tư vấn cũng tích cực hỗ trợ nhà thầu triển khai sớm, đúng, đủ hồ sơ thanh quyết toán, tạo điều kiện cho nhà thầu giải ngân nhanh nhất để có nguồn lực tiếp tục tổ chức thi công”.
Một trong những “nút thắt” làm chậm việc giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong GPMB cũng đang được các địa phương vào cuộc tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Trịnh Văn Nhiệm, cho biết: “Địa phương đang thực hiện GPMB tại 144 dự án với tổng diện tích cần phải thu hồi, GPMB là 1.150,5 ha, ảnh hưởng đến 11.126 lượt hộ dân. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để hoàn thành kế hoạch GPMB năm nay, nhất là với các dự án trọng điểm trong khu kinh tế, có sức lan tỏa và ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, thị xã đang tập trung chỉ đạo ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư và các phòng, ban, các xã, phường giải quyết triệt để các tồn đọng, vướng mắc”.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị liên quan đến công tác thu hồi đất, GPMB, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp, đông người đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn các xã, phường có dự án. Cùng với đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trích đo, trích lục và chỉnh lý bản đồ địa chính; chỉ đạo Hội đồng kiểm kê bồi thường GPMB thực hiện các dự án chủ động triển khai việc lập, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đúng trình tự, quy định. Thị xã cũng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất để tiến hành cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không chấp hành chủ trương của Nhà nước” – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Trịnh Văn Nhiệm, cho biết thêm.
Hiện nay, công tác thanh quyết toán giải ngân vốn đầu tư công đang được triển khai theo hướng cải cách nhanh gọn, thuận lợi. Giám đốc Kho bạc tỉnh Nguyễn Tuấn Vinh, cho biết: “Công tác tạm ứng, thanh quyết toán đã được thực hiện 100% qua dịch vụ công trực tuyến. Đơn vị đang thực hiện tuân thủ nghiêm túc về thời gian giải quyết hồ sơ trong thời hạn quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời, cấp bách nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng vốn ngân sách. Nhằm kịp thời và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Kho bạc tỉnh còn triển khai việc tạm ứng trong ngày, thanh toán khối lượng chỉ trong 2 ngày nếu hồ sơ thủ tục thuận lợi và hướng tới công tác hậu kiểm. Đơn vị cũng tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ và xử lý các vướng mắc phát sinh của từng gói thầu, bảo đảm để các đơn vị thuận lợi, nhanh chóng nhất trong thủ tục giải ngân”.
Cùng với chỉ đạo quyết liệt về giải ngân vốn đầu tư công năm nay, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu nâng cao tính sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện giao sớm toàn bộ kế hoạch vốn năm 2024 cho các chương trình, dự án ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch; trong đó ưu tiên bố trí vốn cho những công trình giao thông trọng điểm kết nối các vùng, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn; các công trình kết nối đường bộ cao tốc Bắc – Nam với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp.
Bài và ảnh: Minh Hằng