Những tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi Thanh Hóa đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định… Tuy nhiên, với những nỗ lực để duy trì sản xuất, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục, kỳ vọng khởi sắc trong những tháng cuối năm.
Trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn tại xã Nga Bạch (Nga Sơn).
Trước sự ảnh hưởng chung của thị trường tiêu thụ cả nước, những tháng đầu năm 2023 giá lợn hơi giảm sâu khoảng 35% so với thời điểm trước đó, do nguồn cung thị trường lớn mà sức tiêu thụ chậm. Giá các loại thực phẩm như gà, trứng, thịt bò… cũng ở mức thấp so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do 70% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu, khiến nhiều trang trại, gia trại phải giảm đàn để tránh thua lỗ sâu, thậm chí có những trang trại buộc phải bỏ trống chuồng do không đủ vốn để duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu nắng nóng kéo dài, nền nhiệt trong ngày luôn duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến sức đề kháng, khả năng tăng trọng của vật nuôi. Trên địa bàn tỉnh tuy không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập các loại dịch bệnh từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Mặc dù đối diện với không ít khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp, các hộ gia đình, chủ trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi luôn nỗ lực tìm cách để vượt qua khó khăn. Theo đó, từ giữa tháng 5 đến nay giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, bình quân từ 64 nghìn đồng và được đánh giá là mức tăng cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại quy mô lớn, HTX đã có lãi sau thời gian dài phải bù lỗ. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm, người chăn nuôi lao đao bởi bài toán chi phí do giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”, thì từ tháng 5-2023 đến nay đã có 3 lần giảm giá từ 1,2 – 3,2% so với thời điểm đầu năm. Thông thường, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65 – 70% giá thành sản xuất, vì vậy việc điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cùng với giá bán các loại sản phẩm chăn nuôi đang tăng trở lại có thể xem là tín hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm để người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau một giai đoạn khó khăn kéo dài.
Bên cạnh đó, xác định công tác phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống, kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, góp phần tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi. Gần đây, nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: Dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO tại xã Thạch Tượng và Thạch Lâm (Thạch Thành); Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện (Ngọc Lặc); Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt tại huyện Nông Cống… Phương thức chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng tích cực trong sản xuất, các chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Bên cạnh đó, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giữ đà tăng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tốt hơn trong khi nguồn cung giảm. Để bứt phá tăng trưởng trong những tháng cuối năm, các địa phương đã và đang chú trọng phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt lợn, trứng gia cầm, bò sữa và sản phẩm từ sữa, bò thịt chất lượng cao và con nuôi đặc sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, không để tái diễn dịch bệnh tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên đàn trâu bò… Từ đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt hai, năm 2023.
Bài và ảnh: Lê Ngọc