Chấn hưng văn hóa” và quan tâm đến “chấn hưng văn hóa” vẫn luôn là chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, dư luận quan tâm, xã hội trăn trở.
Xây dựng con người văn hóa là cốt lõi của mọi chương trình phát triển, chấn hưng văn hóa.
Dõi theo tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, theo dòng chảy văn hóa dân tộc, cách đây hơn 100 năm – cuộc vận động Duy Tân văn hóa do nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872 – 1926) phát động năm 1906. Phong trào diễn ra trong 2 năm và đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong lịch sử. Phong trào chủ trương khôi phục đất nước bằng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, văn hóa luôn được Đảng ta chăm lo, chú trọng. Văn hóa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử, phát triển của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về việc cần thiết phải xây dựng nền văn hóa mới với đặc trưng dân tộc, khoa học, đại chúng; phải làm cho văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân.
Thấm sâu, lan tỏa tư tưởng của Người về văn hóa, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Thời đại 4.0, công nghệ – thông tin phát triển như vũ bão, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… thì phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” xuất hiện trong Văn kiện Đại hội của Đảng.
Vấn đề chấn hưng văn hóa luôn gắn bó mật thiết với vận mệnh, lộ trình hội nhập và phát triển của quốc gia, dân tộc. Vừa qua, xoay quanh Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tích cực xây dựng đã làm dư luận dấy lên nhiều ý kiến. Đứng trước con số tổng kinh phí 350 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035), trong sự tương quan so sánh, đánh giá tình hình thực tiễn, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm về chất lượng, tính khả thi, hiệu quả thực sự mà chương trình mang lại. PGS.TS Nguyễn Thị Thục, Phó hiệu trưởng Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, nhận định: “Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một chủ trương, quyết sách lớn. Chương trình vừa là sự nối tiếp, kế thừa những thành tựu đạt được từ trước vừa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tính tất yếu khách quan trong quá trình phát triển đất nước với những nội dung hết sức có ý nghĩa, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm”.
Cùng với đó, từ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta phải nhận thức một điều rằng: “Chấn hưng văn hóa vẫn luôn và sẽ tiếp tục là câu chuyên phải trăn trở, bởi rất nhiều lý do. Ở đó, vấn đề cốt yếu chính là, bối cảnh mỗi giai đoạn lịch sử luôn đặt ra nhiều thời cơ và thách thức mới đối với việc phát triển nền văn hóa dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa luôn vận động và biến đổi. Do vậy, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc bất kỳ giai đoạn nào cũng cần xuất phát từ thực tế của sự vận động và biến đổi đó. Hơn nữa, nội hàm của văn hóa và những biểu hiện của nó mang ý nghĩa bao trùm, rộng lớn lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa là mục tiêu, là nền tảng, là động lực cho phát triển, do vậy, câu chuyện chấn hưng văn hóa vốn dĩ không hề đơn giản và dễ thực hiện. Mỗi hành động thực hiện chấn hưng văn hóa đòi hỏi rất nhiều yếu tố cả tâm – tầm”, bà Thục chia sẻ.
– Có lẽ, bởi ngay trong nội hàm văn hóa vốn đã rất rộng và bao trùm mọi lĩnh vực đời sống nên dường như bất kỳ một ý tưởng hay chương trình chấn hưng văn hóa nào cũng không dễ dàng đáp ứng và làm hài lòng tất cả mọi người?
PGS.TS Nguyễn Thị Thục phân tích: “Tôi xin mượn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” in trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành: “Trước yêu cầu của thời đại, của đất nước, văn hóa cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, chấn hưng văn hóa cần được nhìn nhận ở đây chính là “ngọn đuốc soi đường”, làm cho văn hóa hưng thịnh hơn. Vấn đề cốt lõi cần tập trung, theo tôi, đó là xây dựng con người mới, phát triển toàn diện (con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hóa); xây dựng môi trường văn hóa, trong đó quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa số; xây dựng các thiết chế văn hóa, các không gian sáng tạo; bảo vệ di sản văn hóa dân tộc; văn hóa truyền thống các địa phương…
Tựu chung, nói chuyện văn hóa không bao giờ thoát ly khỏi hai chữ con người. Việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam làm nền tảng có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, chấn hưng văn hóa, chưa cần vội “đao to búa lớn”, trước hết là tập trung giáo dục, đào tạo con người văn hóa trong các môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. “Đối với lĩnh vực văn hóa chúng ta cần có cái nhìn đa chiều, hành động và ứng xử thận trọng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước giai đoạn này đó chính là xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ”, bà Thục nhấn mạnh.
Điều đó có thể thấy, chấn hưng văn hóa chẳng phải điều gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết ở việc xây dựng con người văn hóa, từ trong gia đình, trường học đến xã hội. Chính môi trường văn hóa tạo ra con người văn hóa, con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa, để từ đó hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức, lan tỏa nét đẹp văn hóa, qua đó thực hiện nhiệm vụ văn hóa là sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước. “Đó cũng là một trong những hệ giá trị mà Trường Đại học VH,TT&DL chúng tôi hướng tới. Là trường đại học đóng trên địa bàn của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử – văn hóa; cùng với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trường Đại học VH,TT&DL luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa cho tương lai; phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới. Nhà trường quan tâm xây dựng một môi trường mở đúng theo triết lý giáo dục nhà trường đã đề ra: Nuôi dưỡng đam mê – Khuyến khích sáng tạo – Tôn trọng khác biệt – Hợp tác phát triển”, bà Thục cho biết thêm.
Văn hóa như phù sa qua thời gian bồi đắp mà nên bờ bãi xanh tươi, mạch nguồn chảy mãi. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững, do vậy cũng cần có tầm nhìn xa, một chiến lược bài bản với nguồn lực ưu tiên thỏa đáng. Nếu chúng ta có chủ trương xây dựng các thiết chế văn hóa, các không gian sáng tạo quy mô lớn, hiện đại, những “biểu tượng văn hóa quốc gia” cũng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây vẫn thuộc về cách chúng ta triển khai thực hiện thế nào cho thật thiết thực, hiệu quả.
Hương Thảo