Với mong mỏi sớm đưa Cảng nước sâu Nghi Sơn trở thành trung tâm logistics cấp vùng, hạ tầng cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đã được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên đầu tư phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc chưa phát triển được 1 cảng container chuyên dụng vẫn là một trong những điểm yếu, làm hạn chế sức hấp dẫn đối với dịch vụ logistics tại cảng biển tiềm năng này. Do đó, việc triển khai xây dựng Dự án Cảng container Long Sơn vào thời điểm này là thực sự cần thiết.
Công ty TNHH Long Sơn thi công san lấp bến số 3, cảng Container Long Sơn.
Cảng non trẻ sớm lọt “mắt xanh”
Hệ thống Cảng biển Nghi Sơn hiện nay được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 10 bến container, 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng. Hiện nay, có 21 bến cảng đã đi vào hoạt động với năng lực lưu chuyển hàng hóa công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Trong số 10 bến cảng container đã được quy hoạch, có 4 bến cảng số 3, 4, 5, 6 được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận gắn liền với khu phát triển logistics của Công ty TNHH Long Sơn. 4 bến còn lại được chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 2 bến cảng còn lại đang được Liên danh nhà đầu tư Hokuetsu (Nhật Bản) và Lee&Man (Hồng Kông) nghiên cứu thực hiện đầu tư dự án Tổ hợp Giấy và năng lượng (bao gồm hạng mục đầu tư cảng).
Cần nói thêm, hình thức vận chuyển bằng container là phương thức vận tải biển hiện đại, là xu hướng mới, tất yếu và sẽ thay thế dần cho vận chuyển bằng hàng rời đối với hầu hết các mặt hàng phù hợp vận chuyển bằng container. Theo ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn: “Khi hoạt động giao lưu mua bán trên thị trường có xu hướng tăng mạnh thì phương thức vận chuyển container là giải pháp tối ưu và được sử dụng thường xuyên hơn. Sở dĩ vận chuyển bằng container là xu hướng mới bởi thuận lợi trong phân loại hàng hóa trong từng kiện hàng khác nhau. Cùng với đó, không gian chứa rộng rãi cho phép vận chuyển được khối lượng hàng lớn dễ dàng, linh hoạt trong quá trình di chuyển dù sử dụng bất kỳ phương thức vận tải nào đi nữa. Đặc biệt, chất lượng hàng bên trong được đảm bảo, có tính an toàn rất cao, tránh được những ảnh hưởng không tốt từ các yếu tố thời tiết và tác động bên ngoài”.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong, hiện nay cơ cấu xuất, nhập khẩu tại Cảng Nghi Sơn đang bị mất cân đối với kim ngạch nhập khẩu là chủ yếu (phần lớn là nhập dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn). Phần ít ỏi trong các mặt hàng xuất khẩu tại Cảng Nghi Sơn hiện vẫn chủ yếu là những mặt hàng chưa yêu cầu khắt khe về phương thức bảo đảm vận chuyển như clinker, đá, dăm gỗ… Do đó, Cảng Nghi Sơn còn rất nhiều dư địa khai thác cả về cơ cấu và nguồn hàng xuất bằng container, vì vậy việc phát triển cảng container chuyên dụng là thực sự cần thiết.
Cũng theo nhận định của các doanh nghiệp khai thác cảng tại Nghi Sơn. Cùng với nhiều loại hàng xuất có thể khai thác, đặc biệt là hàng may mặc, giày da hiện đang chiếm chủ đạo trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa thì cơ cấu hàng nhập hiện cũng chiếm tới 95% là nguyên liệu để sản xuất thép. Trong khi đó, xu thế tiến tới của vận tải biển quốc tế sẽ phát triển mạnh lên vận chuyển bằng container và nguồn hàng được dự báo sẽ rất đa dạng.
Để thúc đẩy, đa dạng các hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, tăng nguồn thu ngân sách bằng hoạt động này, cùng với công tác đầu tư hiện đại hóa hạ tầng cảng, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã liên tục ban hành các chính sách kích cầu. Sau 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Cảng Nghi Sơn đã thu hút thành công hãng tàu CMA-CGM mở tuyến container. Từ đây, hàng hóa từ Cảng Nghi Sơn đã xuất khẩu đi 41 nước tại 114 cảng, hàng nhập khẩu đến từ 11 nước tại 24 cảng và đi đến hầu hết các châu lục (trừ châu Phi) thông qua việc nối tuyến. Tỉnh Thanh Hóa đã có thêm tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 1.180 tỷ đồng từ thuế xuất nhập khẩu của tuyến vận tải container này.
Tiệm cận hơn với nhu cầu thực tế, hỗ trợ hãng tàu hoạt động hiệu quả hơn và giúp bù đắp chi phí phát sinh từ chênh lệch vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đi Cảng Hải Phòng, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Theo đó, chính sách này đã tăng hỗ trợ từ 300 triệu đồng/chuyến lên 500 triệu đồng/chuyến đối với hãng tàu mở tuyến container qua cảng. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng cũng tăng đáng kể với thời gian thực hiện chính sách kéo dài đến hết ngày 31/12/2026.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai chính sách, ngoài hãng tàu CMA-CGM đăng ký mở tuyến container trở lại, chỉ mới có thêm hãng tàu VIMC thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mở tuyến vận tải container qua Cảng quốc tế Nghi Sơn đi Ấn Độ. Sự kỳ vọng của tỉnh Thanh Hóa đối với Cảng Nghi Sơn vẫn chưa đạt được như mong muốn mặc dù chính sách đã thực sự hấp dẫn. Trong đó, cùng với các nguyên nhân về việc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp chuyển dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa về Cảng Nghi Sơn, giúp hãng tàu hoạt động hiệu quả thì việc thiếu cảng container chuyên dụng cũng là một nguyên nhân quan trọng làm hạn chế sức hấp dẫn đối với quyết định mở tuyến của các hãng tàu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành trung tâm logistics tại khu vực, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận và tạo thuận lợi để Công ty TNHH Long Sơn triển khai dự án Cảng container Long Sơn từ năm 2016 với tổng diện tích thực hiện khoảng 86,6 ha và tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng sau điều chỉnh. Giai đoạn 1 của dự án, Công ty TNHH Long Sơn sẽ đầu tư xây dựng bến container số 3, 4 và dự kiến đi vào vận hành dự án tháng 10/2025; giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng bến container số 5, 6 và khu phát triển logistics có diện tích 28,8 ha thời gian đi vào hoạt động cuối năm 2030.
Khu vực Cảng nước sâu Nghi Sơn.
Được biết, với năng lực trung chuyển từ 1 đến 1,2 triệu container thể tích 40m3/năm, Cảng container Long Sơn đi vào hoạt động sẽ là một trong 10 cảng container lớn nhất của Việt Nam. Cùng với hệ thống cảng biển đã được đầu tư hiện đại tại KKTNS như Cảng Quốc tế Nghi Sơn, Cảng PTSC Nghi Sơn sẽ tạo thành mạng lưới cảng biển liên hoàn, có khả năng tiếp nhận các tàu hàng trọng tải lớn và siêu lớn, với nhiều loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng thuận lợi ra vào bốc xếp hàng hóa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để đưa Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm cảng biển lớn nhất của cả nước.
Trong tháng 10-2023, Công ty TNHH Long Sơn đã triển khai thi công bến cảng số 3. Dự án được xây dựng trên khoảng 15 ha diện tích mặt nước, với bến cảng có chiều dài 250m. Hiện trạng tại khu vực xây dựng dự án vị trí mặt nước chủ yếu là bãi triều, có tuyến kè chắn cát được xây dựng từ khi khởi công nạo vét tuyến luồng Nam Nghi Sơn phục vụ việc chính trị, phòng chống sa bồi tuyến luồng này với kết cấu chủ yếu là đá đổ.
Ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp cho biết: “Dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật khi triển khai thi công. Không chỉ phù hợp quy hoạch của KKTNS, giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu, sự ra đời của Cảng container Long Sơn kèm theo tổ hợp dịch vụ logistics sẽ thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ vận tải quốc tế, tăng cường khả năng giao thương cho hàng hóa qua địa phận KKTNS và khu vực Bắc Trung bộ”.
Còn theo lãnh đạo thị xã Nghi Sơn, việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn. Khi hình thành bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. Dự án cũng góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà cùng nhân lực trong và ngoài tỉnh.
Việc tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng container Long Sơn ngoài đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận, dự án còn đồng thời hiện thực hóa các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ, quy hoạch chi tiết Cảng biển Nghi Sơn đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt. Hơn nữa, đây cũng là dự án nằm trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa “trình độ” logistics của tỉnh Thanh Hóa phát triển thành ngành dịch vụ khá của khu vực Trung bộ, Bắc bộ và của cả nước, đến năm 2030 sẽ mở rộng và cơ bản hình thành trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại KKTNS.
Được biết trong lộ trình này, tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang rốt ráo tập trung chỉ đạo, đầu tư hạ tầng kết nối các hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đó là sự kết nối và phát triển các khu logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt thuộc KKTNS, các tuyến đường kết nối với cảng biển với Cảng hàng không quốc tế và dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container, các dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị cùng nhiều dịch vụ bổ trợ khác…
Bến số 3, Cảng container Long Sơn dự kiến sẽ đi vào vận hành từ tháng 10/2025. Sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành Cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các tổ hợp dịch vụ logistics đi kèm, tăng cường khả năng trung chuyển, giao thương hàng hóa qua KKTNS và khu vực Bắc Trung bộ. Cùng với việc tăng thu nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh Thanh Hóa, dự án hứa hẹn sẽ làm sôi động và tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào KKTNS trong tương lai.
Bài và ảnh: Minh Hằng