Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (BCĐ THCCTMTQG) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức XDNTM.
Toàn cảnh hội nghị.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ THCCTMTQG tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐ THCCTMTQG tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ THCCTMTQG tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ THCCTMTQG tỉnh, đồng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM Trung ương. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng và các điển hình trong phong trào hiến đất và XDNTM.
Đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, CTXDNTM nhằm gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và đô thị hóa, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nhiệm vụ XDNTM phải ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản.
Thực hiện CTMTQGXDNTM năm 2023, Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn thử thách bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng xung đột ở một số nước và kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kết quả thực hiện chương trình. Một số tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM, xã NTM nâng cao được Trung ương quy định còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Số xã chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh đa số tập trung ở khu vực miền núi, có vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội.
Từ thực tế thực hiện chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa kiên quyết, thiếu cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Sự phối kết hợp giữa các ngành với các địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có nơi, có lúc chưa thường xuyên. Kết quả thực hiện CTXDNTM ở một số địa phương chưa đạt như kỳ vọng…
Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, để hoàn thành các mục tiêu đó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
NTM tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện CTMTQGXDNTM năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, CTXDNTM năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện CTMTQGXDNTM năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Gần đây, nhiệm vụ chuyển đổi số trong XDNTM đã mang lại kết quả tích cực. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.
So với các kế hoạch của tỉnh đề ra, tính riêng năm 2023, số lượng xã NTM nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.
Nhân lên nhiều điển hình hiến đất
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Điều phối CTXDNTM tỉnh Cao Văn Cường đã báo cáo kết quả phong trào thi đua hiến đất trong XDNTM trên địa bàn tỉnh những năm gần đây với nhiều kết quả đáng tôn vinh. Một số huyện đã ban hành chủ trương riêng về hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, điển hình như: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 22/7/2022 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 2/2/2023 về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn. Huyện ủy Thiệu Hóa có Công văn số 536-CV/HU, ngày 26/11/2021 về phát động phong trào “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh”…
Chánh Văn phòng Điều phối CTXDNTM tỉnh Cao Văn Cường báo cáo kết quả phong trào thi đua hiến đất trong XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM tại các địa phương. Điển hình như: Nhân dân huyện Triệu Sơn đã hiến hơn 350.000m2; Nhân dân huyện Quảng Xương hiến hơn 111.000m2, Nhân dân huyện Đông Sơn hiến hơn 90.000m2 đất các loại. Nhiều huyện miền núi, mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng người dân vẫn nhiệt tình tham gia hiến đất để XDNTM, như: Nhân dân huyện Thạch Thành hiến hơn 83.000m2; Nhân dân huyện Như Xuân hiến hơn 99.000m2; Nhân dân huyện Ngọc Lặc hiến gần 95.000m2…
Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh…, trị giá hơn 90 tỷ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.
“Chìa khóa” trong phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng, nhất là mở rộng hệ thống giao thông ở Thanh Hóa chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Những công trình, phần việc liên quan đến vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong Nhân dân. Từ đó, các ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều phong trào liên quan như: cải tạo cảnh quan môi trường, mở rộng và trồng cây xanh, trồng hoa dọc đường làng, ngõ xóm.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐ THCCTMTQG tỉnh định hướng, điều hành chương trình thảo luận
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân điển hình trong phong trào hiến đất và XDNTM trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để thực hiện phong trào trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Quế, thôn Nhân Trạch, xã Quảng Trạch (Quảng Xương) – một trong những điển hình hiến đất, phát biểu tham luận.
Đại diện lãnh đạo huyện Triệu Sơn chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào hiến đất XDNTM trên địa bàn.
Đại diện lãnh đạo xã miền núi Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) chia sẻ kinh nghiệm huy động sức dân XDNTM.
Hội nghị cũng triển khai tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua hiến đất, chung sức XDNTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 146 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình trên địa bàn tỉnh có thành tích trong thực hiện CTMTQG XDNTM và phong trào hiến đất XDNTM.
Báo Thanh Hóa tiếp tục cập nhật…
Lê Đồng – Minh Hiếu