Huy động vốn đầu tư 140 nghìn tỷ đồng cho sự phát triển
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa.
Để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, sớm đưa các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động. Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ cam kết; thường xuyên theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết… Đối với các dự án đang thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, chưa triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án, UBND cấp huyện nơi có dự án thực hiện chủ động nắm bắt tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai thực hiện…
Đối với nhóm dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt, tích cực hơn nữa trong công tác GPMB, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án lớn, trọng điểm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng sạch với các nhà đầu tư.
Để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư mới ngoài ngân sách, các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hoàn thành các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư để sớm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ.
Để tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; quản lý chặt chẽ đối tượng hoàn thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Theo dõi nắm bắt kịp thời đầy đủ sự biến động của giá cả thị trường, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân góp phần huy động các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đảm bảo hạch toán các khoản thu tại xã đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, không để thất thoát nguồn thu: Tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN khoản thu tiền sử dụng đất.
Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác tốt nguồn thu ngân sách trên địa bàn, các biện pháp chống thất thu, phấn đấu tăng thu ngân sách so với dự toán UBND tỉnh giao.
Tăng cường công tác quản lý tài sản công, quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, chuyển nhượng đất đai; đấu giá quyền sử dụng đất ở, thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để quản lý thu vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định…
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ giải phóng mặt bằng trên 2.590 ha
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm
Năm 2025 trên địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố sẽ giải phóng mặt bằng (GPMT) với tổng diện tích là 2.590,719 ha cho 686 dự án, trong đó dự án đầu tư công là 529 dự án với diện tích phải GPMB là 1.484,934 ha; dự án đầu tư của doanh nghiệp là157 dự án với diện tích phải GPMB là 1.105,785 ha.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác GPMB đã đề ra, các ngành, các cấp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Chủ động hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý, quy hoạch chi tiết, bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch cụ thể về điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và bố trí tái định cư cho từng dự án cụ thể. Hằng tháng tổ chức hội nghị giao ban để kiểm điểm tiến độ và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác xác định nguồn gốc đất đai làm cơ sở áp giá, xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tích cực, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; tổ chức Hội nghị đối thoại, làm việc với người dân để vận động, thuyết phục việc bàn giao mặt bằng các dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong GPMB thực hiện các dự án đầu tư; đồng thời thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền đảm bảo phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động quần chúng như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… trong công tác GPMB.
Bảo đảm trên 98% hồ sơ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được giải quyết trước và đúng hạn
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Huy
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính năm 2024 và những năm qua, nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5137/QĐ-UBND ngày 26/12/2024, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác cải cách hành chính, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trong đó, cần chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công; sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; hiện đại hóa phương thức quản lý, điều hành, góp phần cải thiện, nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Chuyển đổi số quốc gia (DTI) của tỉnh năm 2025.
Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính, trong đó tập trung các nội dung về công khai, minh bạch, giảm thời gian trong giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tập trung giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm trên 98% hồ sơ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được giải quyết trước và đúng hạn; số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã; tăng tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
Triển khai, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; tổ chức đối thoại với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cap-nhat-no-luc-tang-toc-but-pha-phan-dau-hoan-thanh-tat-ca-cac-muc-tieu-chi-tieu-nam-2025-235277.htm