Sáng 22/12, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Cùng dự và điều hành hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong văn hóa, nghệ thuật. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ trụ sở Chính phủ tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định hướng đi đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Các đại biểu dự hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Nhấn mạnh về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, nhất là các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay về cơ chế, chính sách, quy hoạch, thu hút nguồn lực xã hội; phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa…
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa.
Điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Từ đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao. Kết quả cho thấy, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế đất nước giai đoạn 2018-2022 bình quân đạt khoảng 44 tỷ USD. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật…
Trần Thanh