Sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt doanh thu 3,61% GDP. Nhưng, vẫn còn đó không ít “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, công nghiệp văn hóa nước ta rất cần một chiến lược dài hơi.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã và đang khẳng định vai trò là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, từ sau khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (ngày 8/9/2016), đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá sau 5 năm triển khai, 12 ngành CNVH ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. (12 lĩnh vực gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa). Trong giai đoạn hiện nay, với sự đa dạng về văn hóa, nguồn tài nguyên di sản phong phú, Việt Nam chúng ta được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển CNVH. |
Phát triển CNVH ở nước ta giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Ảnh: Internet
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, con đường mang tên “công nghiệp văn hóa” vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong nhận thức: “Khó khăn bao giờ cũng đến từ nhận thức, vậy nên khi mà chúng ta tháo gỡ được những khó khăn về nhận thức thì sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu nghệ sĩ, nhưng cái chúng ta thiếu là môi trường, thể chế cho các tài năng sáng tạo bùng nổ. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó các ngành điện ảnh, du lịch, văn hóa, thời trang… hỗ trợ cho nhau thì rất khó để phát triển”.
Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội tạo không gian trải nghiệm mới góp phần thúc đẩy CNVH. Ảnh: Internet
Chiến lược phát triển CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP. Để đạt được mục tiêu này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nút thắt tiếp theo chúng ta phải mở là xây dựng một chiến lược bài bản: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng và thứ hai cần có nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam công nghiệp văn hóa chưa được coi là một ngành được ưu tiên và vì vậy chúng ta khó chuyển động. Chính vì thế phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động” – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Chiến lược phát triển CNVH, các ngành CNVH tại Việt Nam được nhìn nhận là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, là hướng đi mới, tạo đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa. Tuy nhiên, theo TS Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, để phát triển tương xứng với tiềm năng, ngành CNVH nước ta rất cần một chiến lược dài hơi. Đồng thời, việc cần thiết là tăng cường thay đổi nhận thức về CNVH để từ đó thay đổi hành động. Trong đó, thúc đẩy, dầu tư cho công tác nghiên cứu để xây dựng kho dữ liệu (big data) về văn hóa để tạo nguồn tài nguyên cho CNVH. Không chỉ phổ biến, truyền thông về CNVH bằng lý thuyết mà cần tổ chức những chương trình, đề án, hoạt động cụ thể để đông đảo công chúng nhận diện rõ về CNVH.
“Ví dụ thành phố Hà Nội tổ chức thường niên “Lễ hội thiết kế sáng tạo” với chuỗi các sự kiện, ở đó người dân được thưởng thức văn hóa nghệ thuật, được trải nghiệm hoạt động văn hóa, được chiêm ngưỡng và mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Và họ hình dung được CNVH là như thế… Tức là thúc đẩy nâng cao nhận thức về CNVH bằng những sự kiện, sản phẩm cụ thể” – TS Lư Thị Thanh Lê phân tích.
TS Lư Thị Thanh Lê (phải) trò chuyện tại phòng thu VOV2.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô.
Với mật độ di tích dày đặc, hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, nguồn lực con người dồi dào, thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp văn hóa. Là thành viên “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, thời gian qua, Hà Nội đã có sự chuyển động ngoạn mục và đạt kết quả đáng ghi nhận. Các ngành CNVH đóng góp gần 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố. Kết quả đạt được của Hà Nội cho thấy, khi có những chính sách phù hợp sẽ là những đòn bẩy tạo ra sự bứt phá trong phát triển CNVH.
Hà Nội đang tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Internet
Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển CNVH, theo các chuyên gia đã đến lúc chúng ta phải liên kết, hợp tác các bộ, các ngành với nhau thì mới xây dựng được một ngành CNVH mà ai cũng thấy mình trong đó, ai cũng thấy công việc của mình quyền lợi của mình, trách nhiệm của mình.
Một trong những thách thức nữa mà chúng ta đã nhận diện được, đó chính là nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo hiện nay của chúng ta đang vừa thiếu vừa yếu. Theo TS Lư Thị Thanh Lê cần phải có các giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: “Để đào tạo được nhân lực chất lượng cao trong ngành CNVH thì theo tôi, trước hết là phải tạo ra được một chiến lược về đào tạo, rà soát xem chúng ta cần nhân lực ở những lĩnh vực gì? Bên cạnh đó phải đảm bảo được chuẩn đầu ra. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải mở ra được những triển vọng về công ăn việc làm cho nhân lực trong ngành CNVH”.
Nếu được quan tâm tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn, tương lai không xa, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước.
Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Để con đường phát triển công nghiệp văn hóa đi đến đích với mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030 đã đến lúc chúng ta cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ thay đổi nhận thức, thay đổi hành động và đặc biệt là rất cần xây dựng một chiến lược dài hơi đầu tư xứng tầm cho văn hóa.
Theo VOV