Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, bên cạnh những làng nghề có sức sống bền bỉ như nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc, nghề mộc làng Đạt Tài, Hạ Vũ, nghề đúc đồng xã Thiệu Trung… thì không ít làng nghề đã và đang đứng trước nguy cơ mai một.
Nghề dệt nhiễu Hồng Đô thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống gắn với người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay tại huyện Mường Lát có làng nghề dệt thổ cẩm bản Chai, bản Pùng. Huyện Bá Thước có làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng ít đi, người phụ nữ không còn mặn mà với khung cửi, nghề dệt thổ cẩm gặp khó khăn và mai một dần. Bà Lê Thị Tiền – người thành lập nhóm dệt Đồng Lương, xã Đồng Lương (Lang Chánh) cho biết: Trước đây, các sản phẩm của nhóm dệt được bày bán tại các điểm du lịch, tuy nhiên hiện nay lượng tiêu thụ các sản phẩm chậm do chủ yếu khách hàng chỉ xem, trải nghiệm. Những bộ váy, áo, khăn được dệt thủ công thường có giá cao nên tại các khu du lịch hầu hết bày bán các mặt hàng dệt bằng máy, nhập từ nơi khác, bởi nó có giá thành rẻ. Hiện nay, con gái Mường không còn hứng thú với việc ngồi bên khung dệt để tự tay dệt trang phục thổ cẩm truyền thống nữa do lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thường ít mặc những bộ váy truyền thống, thay vào đó chỉ mặc trong những dịp lễ hội, nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng vì thế mà dần mai một.
Một thực tế nữa đó là hiện nay người trẻ không còn hào hứng với việc học nghề dệt từ các bà, các mẹ do để dệt một bộ váy cần nhiều thời gian, công sức, sản phẩm lại không được thị trường đón nhận nên việc truyền nghề, giữ nghề gặp nhiều khó khăn.
Cũng đứng trước nguy cơ mai một đó là nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Trước đây, thời điểm phát triển nhất của nghề, làng Hồng Đô có tới 300 khung dệt, hàng trăm thợ dệt có tay nghề, mỗi năm xuất hơn 15.000 tấm nhiễu đi các tỉnh trong và ngoài nước. Thế nhưng, hiện toàn thị trấn chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề, diện tích trồng dâu giảm đáng kể, chỉ còn duy trì khoảng 30 ha.
Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa Đỗ Thành Đồng cho biết: Diện tích trồng dâu bên bờ sông thường xuyên ngập úng nên ngày càng bị thu hẹp, lá dâu không đủ để nuôi tằm. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi tằm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi nên không thể cho ra loại tơ chất lượng để cạnh tranh với các loại tơ công nghiệp trên thị trường. Nuôi tằm đã khó, công đoạn ươm tơ, dệt nhiễu cũng phúc tạp không kém mà đầu ra cho sản phẩm hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm công nghiệp có chất lượng tốt hơn. Việc chuỗi sản xuất từ trồng dâu, nuôi tằm đến dệt nhiễu… bị đứt gãy khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với nghề. Mặt khác, vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề. Hiện các hộ nằm trong khu dân cư nên nguồn nước thải chưa được xử lý.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến cho làng nghề truyền thống đang dần mai một là do nhiều làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, không đầu tư thay đổi, mẫu mã để phù hợp với thị trường nên không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp hiện đại, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm do sự chuyển dịch sang các ngành nghề dịch vụ khác có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, cũng có không ít làng nghề đang hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước…
Làng nghề truyền thống còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời nay ông cha đã trao truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống thì cần sự chung tay hỗ trợ của các sở, ngành và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn đối với các làng nghề.
Bên cạnh đó cần hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phục vụ sản xuất; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm có mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề.
Bài và ảnh: Lê Ngọc