Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy lợi Cẩm Thủy hiện quản lý 5 hồ chứa (hồ Thung Bằng, Duồng Cốc, Bồ Kết, Làng Lụt, Phênh Khánh) và 6 trạm bơm điện (Trạm bơm Cẩm Bình, Cẩm Sơn, Cẩm Giang 1, Cẩm Giang 2, Cẩm Tân 1 và Cẩm Tân 2) phục vụ tưới, tiêu cho hơn 1.320ha lúa vụ chiêm xuân năm 2024 trên địa bàn huyện Cẩm Thủy và một phần của huyện Bá Thước.
Hồ chứa nước Thung Bằng (xã Cẩm Ngọc) đã tích đủ nước theo thiết kế phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, các hồ chứa đã tích trữ đủ nước theo thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, hệ thống các trạm bơm nêu trên do ảnh hưởng mực nước sông Mã xuống thấp và phụ thuộc vào lịch phát điện của một số nhà máy thủy điện trên sông Mã, nên nhiều thời điểm các trạm bơm không lấy được nguồn nước bơm.
Điển hình như Trạm bơm Cẩm Tân 2 hiện nay không có nguồn nước để bơm tưới. Trong điều kiện khó khăn nguồn nước Sông Mã, Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy lợi Cẩm Thủy đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện lắp đặt trạm bơm dã chiến từ kênh tiêu bơm nước vào cuối kênh chính cho Trạm bơm Cẩm Tân 2 và nâng cấp, sửa chữa, cải tiến nối dài loa hút nước tại Trạm bơm Cẩm Bình để bơm cấp nước tưới và chống hạn kịp thời cho cây trồng. Chi nhánh Thủy lợi Cẩm Thủy chủ động nạo vét bể hút, kênh dẫn các trạm bơm, nạo vét hệ thống kênh tưới, vớt rác, thông dòng chảy và phát động kỹ sư, công nhân ra quân phục vụ sản xuất, thay ca thường trực tại đầu mối công trình, hệ thống thủy lợi, vận hành các trạm bơm, cung cấp đủ nước kịp thời cho các địa phương trong vùng tưới dưỡng, chống rét cho lúa vụ chiêm xuân.
Trước thời điểm sản xuất vụ chiêm xuân năm 2024, Chi nhánh Thủy lợi Cẩm Thủy đã thực hiện kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình máy, thiết bị, đào sâu và mở rộng cửa vào các bể hút trạm bơm để tăng lượng nước trong bể hút, nạo vét hệ thống kênh tưới với khối lượng đào đắp hơn 2.000m3 bùn, đất. Xây dựng và triển khai phương án tưới và chống hạn, lập lịch tưới đến từng công trình và tăng cường công tác quản lý tốt nguồn nước hồ, đập, thực hiện tưới tiết kiệm; điều tiết nước tưới hợp lý; phân công cán bộ, công nhân bám địa bàn dẫn nước vào đồng ruộng, đảm bảo cấp nước tưới kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 3/2024, huyện Cẩm Thủy có 106 công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ, đập nhỏ, trong đó có 8 hồ, đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó là tình trạng đập đất thấp, mặt cắt nhỏ, mái thượng lưu, hạ lưu bị sạt lở, tràn, cống hư hỏng, lòng hồ bồi lắng… không an toàn, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp theo thiết kế, gây bất lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn, điển hình như hồ Mó Cun (Cẩm Phú), đập Bai Trám (Cẩm Long), đập Bai Én (Cẩm Quý), đập Đinh Hương (Cẩm Thành)…
Chủ động khắc phục thiếu hụt nguồn nước, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã chuyển đổi diện tích cây trồng không bảo đảm nguồn nước tưới sang trồng các cây màu chịu hạn. Huyện và các xã phát động toàn dân làm thủy lợi mùa khô, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước. Cùng với đó, chủ động kiểm tra, đánh giá khả năng phục vụ nước tưới của công trình để có biện pháp khắc phục như nạo vét bể hút, kênh dẫn cho một số trạm bơm hoạt động khi mực nước sông Mã xuống thấp. Ngoài ra, các xã còn phát huy nội lực thi công các công trình nhỏ như phai, đập nhỏ tạm thời dâng nước từ dòng chảy sông, suối… để tưới hỗ trợ cho cây trồng trên địa bàn, nhất là vào thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông. Tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước tưới từ hồ, đập, bai tiết kiệm; dùng máy bơm dầu tận dụng nguồn nước từ ao, khe suối… bơm tưới cho cây trồng trong thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài.
Bằng nhiều nguồn vốn, trong hai năm vừa qua một số công trình thủy lợi trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp phục vụ nước sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như hồ Bai Mòng (Cẩm Liên), hồ Cây Sung, hồ Và Và (xã Cẩm Tâm)…
Hiện nay 3.483ha lúa vụ chiêm xuân trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã có đủ nguồn nước tưới, đảm bảo lúa sinh trưởng, phát triển.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước, về lâu dài ngoài sự quan tâm đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình thủy lợi mới của Nhà nước, huyện Cẩm Thủy cũng cần chủ động trồng rừng đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bài và ảnh: Thu Hòa