Với phương châm “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhiều mô hình xây dựng môi trường văn hóa, gìn giữ văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hoá…
Toàn cảnh hội nghị.
Nhân kỷ niệm 78 Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ văn hóa tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nền tảng, động lực nội sinh then chốt phát triển đất nước
Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ trung ương đến địa phương cùng ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của ngành Văn hóa. Trong 78 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đảng luôn đặt văn hóa vào vị trí nền tảng, động lực nội sinh then chốt của chiến lược phát triển đất nước hướng đến mục tiêu phồn vinh – hạnh phúc.
Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng ta đã xác định: Văn hóa là một trong ba mặt trận trọng tâm, phát triển Văn hóa theo hướng Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, qua tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận, Đảng ta đã bổ sung, điều chỉnh, phát triển và từng bước hoàn thiện quan điểm cơ bản về văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII-1998) về văn hóa nêu quan điểm: Văn hóa “vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, với phương châm “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Nhờ đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cũng đạt được những thành tựu nổi bật.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cụ thể, đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao thông qua các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, bao trùm trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được phát huy. Nhiều di tích được tiếp tục quan tâm đầu tư, tu bổ gắn với phát triển du lịch. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật có sự đổi mới trong phương thức tổ chức.
Toàn quốc có 140 mô hinh tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, lạc hậu… Qua đó, góp phần kiến tạo nền tảng tinh thần xã hội, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Kết nối, lan tỏa
Thông qua việc ôn lại truyền thống và quá trình phát triển của ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ trung ương đến địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình triển khai, những kết quả nổi bật, những ưu điểm, các mô hình xây dựng môi trường văn, gìn giữ văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hoá hóa điển hình; những khó khăn, bất cập và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc; trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hoá; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hoá.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình.
Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành Văn hóa trong thời kỳ mới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023 là sự kiện quan trọng để kết nối, lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây môi trường văn hóa.
Đồng chí đề nghị, toàn ngành cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiên hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước; các hoạt động cần hướng đến trọng tâm, làm đâu chắc đó, lấy kết quả, sản phẩm làm thước đo công việc. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa. Chủ động tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực của ngành. Khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, tự hào nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trên cả nước, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành Văn hóa trong thời kỳ mới.
Thùy Linh