Công ty TNHH Miza Nghi Sơn là đơn vị chuyên sản xuất giấy sóng và giấy mặt – đây là nguyên liệu chính trong sản xuất bìa cát tông. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất từ 130-150 nghìn tấn giấy các loại. Những tháng đầu năm 2024 tình hình sản xuất của công ty bị ảnh hưởng lớn do một số thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng của căng thẳng chiến sự vùng Biển Đỏ làm cho chi phí vận tải biển tăng cao đến 80%, thậm chí lên tới 300% so với tháng 12 năm 2023, thời gian giao, nhận hàng kéo dài gây khó khăn cho sản xuất hàng xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này, công ty đã linh hoạt tìm kiếm thị trường xuất khẩu chính ngạch tại Trung Quốc và Malaysia. Cùng với đó, tận dụng chính sách kích cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cảng Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa, nhờ đó trong quý 1 năm 2024, công ty đã sản xuất được 36 nghìn tấn giấy sóng và giấy mặt; trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 14.500 tấn, đạt 100% kế hoạch.
Ông Lê Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Năm 2024 chúng tôi đề ra mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm 2024, hiện chúng tôi đã ký kết đơn hàng cho hết quý 3″.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các công nhân của Công ty TNHH Tư Thành, Khu Công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga, thành phố Thanh Hóa luôn làm việc liên tục để đáp ứng đơn hàng hàng xuất khẩu. Hiện tại dứa khoanh đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Công ty, trong đó, chủ yếu là thị trường các nước: Đông Âu, Tây Âu, Nam Âu và Trung Cận Đông… Để đáp ứng đủ hợp đồng đã ký kết, Công ty đã thu mua ổn định 10.000 tấn dứa nguyên liệu tương đương với 260 container mỗi năm. Nguồn nguyên liệu của công ty được liên kết sản xuất, thu mua tại các huyện Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Như Xuân,… với diện tích gần 200ha và thu mua thêm ở tỉnh ngoài như Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An,…
Bà Đồng Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Công ty luôn chú trọng chất lượng, giá cả, đảm bảo thời gian theo hợp đồng, công ty luôn nõ lực tìm kiếm khách hàng mới nhưng giữ khách hàng truyền thống. Quan tâm tới chất lượng nguyên liệu tại các vùng mà lâu nay cung cấp cho công ty. Hàng năm đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng cho sản phẩm”.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 112 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 20 nghìn doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 400 nghìn người. Thời gian qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế sau đại dịch, các doanh nghiệp Thanh Hóa đã phải xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh trong năm 2024 đạt giá trị tăng trưởng cao hơn.
Bà Lương Thị Lài, Giám đốc Công ty lưới thép Minh Quang, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Đối với doanh nghiệp chúng tôi, năm 2024 này có nhiều khách hàng, nhiều đơn hàng ký hợp đồng. Doanh nghiệp đang cung cấp dòng rọ thép ra tỉnh bạn và mong muốn được tạo điều kiện để xuất khẩu”.
Ông Lê Ngọc Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật và Đầu tư Ngọc Long, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi đã tinh gọn các quy trình, thủ tục, tiết kiệm các chi phí để doanh nghiệp có giá cả cạnh tranh khi bán ở thị trường các nước”.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 14/3, tỉnh Thanh Hóa thành lập mới 526 doanh nghiệp, bằng 17,5% kế hoạch, tăng 9,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước. Vốn điều lệ đăng ký đạt gần 6 nghìn tỷ đồng, tăng 57,2%, có 267 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2024, cũng có tới 613 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 27,4%, điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc thông báo giải thể. Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản triển khai thực hiện các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, triển khai thực hiện có hiệu quả về hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và hỗ trợ sử dụng chữ ký số cho doanh nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định…. Với chính sách triển khai, hỗ trợ của UBND tỉnh, các doanh sẽ phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo để phát triển ổn định và bền vững.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa ý thức được năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức nên đưa ra tiêu chí lấy sự đoàn kết làm động lực phát triển, tăng cường giao thương trong nước để tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, cùng với đó đưa kỹ thuật số vào để kinh doanh bền vững”.
Dù phía trước còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp Thanh Hóa đều lạc quan cho rằng: trong thách thức sẽ có cơ hội. Theo nhận định, nửa cuối năm 2024 là thời điểm triển vọng rõ ràng hơn với các doanh nghiệp; tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn do được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước phục hồi và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm… Chủ động đổi mới, phát huy tối đa nguồn lực và nắm bắt tốt cơ hội, doanh nghiệp Thanh Hóa sẽ vững vàng vượt khó và có sự bứt phá tốt hơn trong năm 2024.
Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp – Doanh nhân ngày 03/04/2024