Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến đến khách hàng, góp phần giảm chi phí và thời gian trong giao dịch thanh toán.
Cán bộ Agribank Thanh Hóa hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến của Agribank.
Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Agribank huyện Hoằng Hóa đã triển khai hàng loạt các tiện ích, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Agribank E-Mobile Banking đến người dân, tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng. Qua đó, giúp người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, tiết kiệm chi phí, tránh nhầm lẫn trong việc kiểm đếm, vận chuyển và hạn chế rủi ro cho khách hàng, góp phần giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm dịch vụ hiện đại, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Anh Nguyễn Văn Hùng, ở thị trấn Bút Sơn, chia sẻ: “Tôi đã đăng ký thông báo số tiền và thanh toán tự động hằng tháng qua tài khoản ngân hàng Agribank Hoằng Hóa. Các khoản tiền dịch vụ của gia đình, như cước phí dịch vụ viễn thông, tiền điện, nước đều tự động trừ tiền qua tài khoản Agribank E-Mobile Banking, thay vì phải mất thời gian đi nộp trực tiếp như trước đây. Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ cũng giúp tôi quản lý tài chính gia đình một cách thuận lợi, khoa học”.
Là những ngân hàng thương mại hoạt động chủ yếu về nông nghiệp nông thôn, ngoài việc đóng vai trò chủ đạo, chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà, gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực “tam nông”, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai chuyển đổi số nhằm đưa các dịch vụ ngân hàng điện tử đến với người dân, giúp họ tiếp cận với những tiện ích thanh toán hiện đại, tiết giảm chi phí, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen. Các chi nhánh tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 của Chính phủ. Theo đó, hiện nay các chi nhánh đang triển khai nhiều dịch vụ tiện ích, như: dịch vụ chi trả tiền vào tài khoản cho các đơn vị hưởng lương qua ngân sách Nhà nước; liên kết ví điện tử ZaloPay, SenPay; dịch vụ thu hộ học phí, viện phí; thanh toán điện tử song phương giữa Agribank và bảo hiểm xã hội; thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực phối hợp với các trường học, bệnh viện, điện lực, viễn thông trên địa bàn mở tài khoản thanh toán và cung ứng dịch vụ thu hộ bằng phương tiện thanh toán điện tử của Agribank.
Bên cạnh đó, để gia tăng tiện ích cho khách hàng, các chi nhánh Agribank đã tích cực triển khai các dịch vụ ngân hàng về địa bàn nông thôn, trọng tâm là mở tài khoản thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số, như: đầu tư thêm máy ATM, CDM; lắp thêm máy POS, điểm giao dịch thanh toán qua QR-Code, VietQR; mở tài khoản tiền gửi thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Nhờ vậy, mạng lưới, hạ tầng giao dịch điện tử của các ngân hàng không ngừng được nâng cấp, phát triển hiện đại, tiên tiến. Đến nay, ngoài các hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng, còn có 2 điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, 85 máy ATM, gần 500 máy POS. Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đang đồng hành với hơn 1,6 triệu khách hàng tiền gửi, tiền vay và sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng.
Để đưa dịch vụ ngân hàng số đến với người dân, nhất là khu vực nông thôn, cán bộ, nhân viên của các nhánh Agribank đã trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ dân để giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ khách hàng về các sản phẩm dịch vụ tiện ích của Agribank; tổ chức tuyên truyền tại tất cả các xã về các ứng dụng mới, tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt và in chục nghìn bảng mã QR code cá nhân cho các tiểu thương, chủ cửa hàng kinh doanh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với việc tích cực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích, các chi nhánh Agribank đã và đang tạo ra các phương thức giao dịch mới nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận và gắn kết chặt chẽ hơn với khách hàng.
Bài và ảnh: Hồng Linh