Với 32 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN), Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 3 cả nước về số lượng DN hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ những công trình nghiên cứu, nhiều DN đã thương mại hóa sản phẩm KH&CN vào thực tiễn; đồng thời đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ và quy trình quản lý hiện đại, đưa ra thị trường những sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao trên thương trường.
Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khoa học và công nghệ Tiến Nông.
Là DN KHCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông luôn chú trọng đầu tư xứng đáng cho công tác phát triển KHCN. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu phát triển KHCN Tiến Nông đã được đầu tư cơ sở vật chất với hệ thống trang thiết bị thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia với số hiệu VILAS 849 và 19 nhân sự hoạt động chuyên môn trong công tác nghiên cứu, phát triển KHCN. Thông qua trung tâm, công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao và đã áp dụng, triển khai vào sản xuất, đem lại lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển KH&CN Tiến Nông, cho biết: “Hàng năm, trung tâm được bổ sung nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu KHCN, với mục tiêu hướng tới là nghiên cứu các sản phẩm mới, đồng thời cải tiến các sản phẩm hiện có nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng. Trong 5 năm qua, Tiến Nông đã nghiên cứu, đưa ra nhiều bộ sản phẩm thương mại chuyên dùng cho mía, lúa, cà phê… cung cấp hàng triệu sản phẩm cho nông dân sử dụng với cam kết chất lượng, năng suất, hiệu quả canh tác trên các cánh đồng”.
Thông qua thành tựu nghiên cứu, vừa qua, bộ sản phẩm dinh dưỡng chuyên dùng cho cây lúa: Lúa 1 – chuyên lót và lúa 2 – chuyên thúc của Tiến Nông tiếp tục được công bố ra mắt lần thứ 3 với sự thay đổi cả về lượng và chất. “Chất lượng sản phẩm vượt trội được thể hiện rõ do việc thay đổi về công nghệ sản xuất hoàn toàn mới khi chuyển hóa vi lượng thành dạng lỏng và được phun trực tiếp vào trong quá trình tạo hạt giúp hạt phân bón rất đồng đều về thành phần dinh dưỡng. Sản phẩm được bổ sung thêm thành phần vi lượng giúp cây lúa trong giai đoạn trưởng thành nâng cao số lượng nhánh và khối lượng hạt, tăng sản lượng và chất lượng tiềm năng của cây lúa trên từng vùng đất”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển KH&CN Tiến Nông, cho biết thêm.
Được biết, song hành cùng công tác đầu tư nghiên cứu KHCN, đơn vị đang chuẩn bị cho công tác đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao tại Nhà máy Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông Bỉm Sơn tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn với giá trị đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. DN hướng tới là đơn vị sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ đưa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển KH&CN Tiến Nông phát triển lên quy mô viện nghiên cứu. Khi đó, quy mô và hoạt động nghiên cứu sẽ phát triển mạnh mẽ, đa dạng hơn.
Chuyên gia người Ấn Độ trực tiếp giám sát quy trình sản xuất gạch men kích thước lớn theo dây chuyền công nghệ mới của Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa).
Cũng trong năm 2023, để nâng sức cạnh tranh, tạo sự khác biệt trong từng dòng sản phẩm, Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị Thanh Hóa đã đầu tư đổi mới thiết bị và đưa công nghệ của Italia vào sản xuất gạch, trở thành đơn vị tiên phong trong nước về sản xuất dòng sản phẩm gạch kích thước lớn, có tính thẩm mỹ cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu và Mỹ.
Ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza cho biết: “Công ty đã đầu tư thêm 10 triệu USD để trang bị thêm một số thiết bị máy móc mới như máy in, máy mài để bổ sung nâng cấp dây chuyền; đồng thời, thuê chuyên gia người Ấn Độ trực tiếp giám sát công nghệ sản xuất, quy trình quản lý nhằm nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí sản xuất, xuất bán ra thị trường những dòng sản phẩm mới cao cấp, kích thước lớn. Đặc biệt, bằng việc sử dụng nguyên liệu quý và công nghệ kỹ thuật hiện đại, đội ngũ chuyên gia công nghệ đã thành công đưa Zeolite – Ion âm vào các sản phẩm gạch ốp lát cao cấp Kim Sa Fulll Body của Vicenza. Công nghệ này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhất mà còn tạo môi trường sống thân thiện, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Ông Venkateswarlu Kinjarapu, Giám đốc điều hành sản xuất Nhà máy gạch Vicenza cho biết: “Với công nghệ máy móc và quy trình sản xuất hiện đại này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được các sản phẩm gạch kích thước lớn và siêu lớn với chất lượng châu Âu và giá thành phù hợp với thị trường nội địa. Việc chuyển dịch định hướng đầu tư này đã giúp Vicenza trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của Việt Nam có năng lực sản xuất gạch khổ lớn, có thể thay thế hàng nhập khẩu vốn đang chiếm lĩnh thị phần gạch cao cấp tại thị trường Việt Nam mà chưa có đơn vị trong nước nào có thể cạnh tranh được”.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng DN ứng dụng KH&CN đứng tốp đầu của cả nước. Để tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực và hành lang thông thoáng cho hoạt động phát triển và ứng dụng KHCN, hiện nay Hiệp hội DN tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và Câu lạc bộ DN KH&CN Thanh Hóa đã và đang phối hợp với Sở KH&CN thường niên tổ chức tọa đàm, đề xuất cơ chế, chính sách, tạo động lực cho các DN KH&CN đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm, tổ chức các hội nghị nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để có biện pháp tháo gỡ những nút thắt mà các DN đang gặp phải.
Quan điểm của tỉnh Thanh Hóa là luôn đồng hành và mong muốn các DN đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN; thúc đẩy hình thành và phát triển các DN dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong DN vì sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Tùng Lâm