Sau quy trình về thủ tục pháp lý, thì giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu then chốt, có tính chất quyết định đối với tiến độ và sự thành công của các dự án. Do đó, tỉnh Thanh Hóa xác định, công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, với những giải pháp quyết liệt nhất trong chỉ đạo và thực hiện nhằm đưa các dự án về đích thành công.
Thi công đúc móng cột Dự án Đường dây 500kV Thanh Hóa – Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 trên địa bàn xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).
Quyết liệt ngay những ngày đầu
Năm 2024, nhiệm vụ GPMB của tỉnh Thanh Hóa vô cùng nặng nề. Với 778 dự án cần thực hiện GPMB, tổng diện tích lên tới 2.166,9ha; trong đó, 627 dự án đầu tư công có diện tích cần GPMB là hơn 1.056ha và 151 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp, với diện tích cần GPMB là hơn 1.110,8ha. Một số địa phương có diện tích GPMB lớn như thị xã Nghi Sơn có 59 dự án, với diện tích 386,68ha; huyện Thiệu Hóa có 22 dự án với diện tích cần GPMB là 151,72ha; huyện Triệu Sơn có 21 dự án với 102,6ha; huyện Đông Sơn 44 dự án, với 100,8ha; huyện Như Thanh 31 dự án với 80,78ha…
Về dự án, “nóng” nhất trong nhiệm vụ GPMB năm 2024 phải kể đến Dự án Đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Trong 4 hợp phần dự án, có tới 2 hợp phần là Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, với đoạn tuyến đi qua Thanh Hóa dài 74,6km và Dự án Đường dây 500kV Thanh Hóa – Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1, với đoạn tuyến đi qua tỉnh Thanh Hóa dài 56,4km. Các dự án ảnh hưởng tới nhiều địa phương cần thu hồi diện tích lớn đất ở, giải tỏa vật kiến trúc, đất lúa, đất rừng để thi công móng cột và giải tỏa hành lang tuyến. Do tính chất đặc biệt quan trọng đối với việc cung ứng và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vào mùa hè năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động tổng lực để hoàn thành đóng điện trước 30/6/2024.
Xác định vai trò, tính chất quan trọng của công tác GPMB, ngày 5/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về Kế hoạch GPMB để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất đang thực hiện công tác GPMB trong năm 2024 và các năm trước để chủ động giải quyết hoặc trực tiếp đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành dứt điểm công tác GPMB theo đúng yêu cầu tiến độ của dự án, nhất là các địa phương như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất theo danh mục các dự án thu hồi đất trong năm được HĐND tỉnh thông qua; các dự án trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn. Làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư về kế hoạch thực hiện dự án để thống nhất tiến độ GPMB, trên cơ sở đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án cần tập trung GPMB; đồng thời giao các địa phương phải tổ chức ký cam kết với các chủ đầu tư; trong đó quy định rõ trách nhiệm thực hiện GPMB của các bên. Tổ chức hội nghị giao ban hằng tháng để cập nhật tình hình, kiểm điểm tiến độ GPMB và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Tổ chức hội nghị đối thoại, làm việc với người dân để vận động, thuyết phục các hộ dân bàn giao mặt bằng tại các dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường GPMB và thu hồi đất…
“Đại công trường” thị xã Nghi Sơn, năm 2024 có tới 386,68ha cần GPMB, chiếm tới gần 18% tổng diện tích cần GPMB toàn tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành GPMB 100% diện tích được giao và thêm ít nhất 50ha các dự án ngoài kế hoạch, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã tổ chức chỉ đạo quyết liệt. Đồng chí Trịnh Xuân Phú, Bí thư Thị ủy Nghi Sơn, cho biết: “Ban Thường vụ Thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, chúng tôi yêu cầu các xã, phường có dự án tập trung giải quyết các tranh chấp, kiến nghị của Nhân dân về đất đai, tài sản gắn liền trên đất; thực hiện nhiệm vụ xét nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất, xét đối tượng đủ điều kiện tái định cư, điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu. Cùng với đó, UBND thị xã tăng cường phối hợp các đơn vị và chỉ đạo các xã, phường làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, kiên quyết xử lý các trường hợp chống đối, lôi kéo, kích động Nhân dân, tạo điều kiện cho việc GPMB được diễn ra thuận lợi”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để khơi thông cơ chế, giải quyết các khó khăn trong công tác GPMB, tính đến 31/3, sở đã có 16 văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện nhằm giải quyết vướng mắc trong GPMB thực hiện các dự án tại TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Yên Định, Nông Cống, Nga Sơn, Hà Trung, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Cẩm Thủy; 16 văn bản tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án tại TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các huyện Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Nông Cống, Hoằng Hóa.
Thành quả đáng ghi nhận
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết GPMB cho hơn 1.836ha/2.166,9ha, đạt 84,74%; thực hiện đo đạc, kiểm kê 1.671,7ha/2.166,9ha, đạt 77,15%; phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 1.289,6ha/2.166,9ha, đạt 59,52%. Đặc biệt, mới chỉ trong quý I, toàn tỉnh đã tổ chức chi trả tiền bồi thường GPMB cho 853,9ha/2.166,9ha, đạt 39,41%, gấp 1,26 lần so với kết quả GPMB cùng kỳ.
Cán bộ Ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn và phường Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn) tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận trong công tác GPMB.
Đặc biệt, toàn tỉnh có 5 đơn vị có tỷ lệ GPMB trên 50%, gồm các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Yên Định, Nga Sơn, Thiệu Hóa. Ngoài ra, còn có 9 đơn vị có tỷ lệ GPMB từ 40% đến dưới 50%: Thạch Thành, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Thanh, Quan Sơn, Ngọc Lặc, Nông Cống, Như Xuân, Hậu Lộc…
Kết quả tích cực trong công tác GPMB đã tạo thuận lợi, thúc đẩy tiến độ triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Điển hình với Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), tính đến ngày 9/4, dù diện tích thu hồi lớn, đi qua nhiều địa phương và thời gian triển khai rất gấp gáp nhưng tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành bàn giao 100% vị trí chân móng cột cho triển khai thi công. Đối với phần hành lang tuyến cũng đã bàn giao hơn 50% khoảng néo và đang nỗ lực hoàn thành trước 15/4. Nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các huyện, thị xã có đường dây đi qua, đến nay, tỉnh Thanh Hóa vinh dự là nơi có gói thầu đầu tiên (gói thầu số 40) của Dự án Đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa bao gồm 18 vị trí móng, trong đó có 2 vị trí móng cọc đi qua địa bàn các xã Nga Thiện, Nga Trường, Nga Văn, Ba Đình, Nga Thắng thuộc huyện Nga Sơn đã hoàn thành đúc móng và tiến hành dựng cột đồng bộ.
Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, cho biết: Gói thầu số 40 được bàn giao mặt bằng ngày 12/12/2023 cho đơn vị thi công. Trong thời gian qua, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, trong đó tỉnh Thanh Hóa trong bàn giao mặt bằng, cùng với sự nỗ lực và đề ra biện pháp tổ chức thi công hợp lý của đơn vị thi công là Tập đoàn PC1 nên gói thầu đã hoàn thành vượt tiến độ đúc móng so với kế hoạch đề ra.
Xác định, công tác GPMB thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB được kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm những “điểm sáng”, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài cuối: Kiên định mục tiêu, nỗ lực cán đích.