Các dự án đầu tư lớn, trọng điểm đóng vai trò rất quan trọng như một động lực tăng trưởng kinh tế – xã hội. Chính vì lẽ đó, tập trung triển khai hiệu quả, chất lượng và bảo đảm tiến độ cho các công trình này, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp và là trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Thi công Tiểu dự án cầu Xuân Quang vượt sông Mã thuộc Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45, từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Ảnh: Phong Sắc
Sát sao đôn đốc
Có mặt trên công trường thi công Tiểu dự án 1 – cầu vượt sông Mã (cầu Xuân Quang, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa), ngay những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã nhấn mạnh: Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 (đoạn từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa), có tổng chiều dài 14,6km với 3 tiểu dự án, được xác định là dự án trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, cùng với việc nắm bắt tình hình và đôn đốc, khích lệ tinh thần lao động của nhà thầu, công nhân trên công trường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương triển khai các mũi thi công, bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ thuật cho công trình. Đồng thời, huyện Thiệu Hóa và huyện Hoằng Hóa cần quyết tâm và trách nhiệm hơn nữa, phấn đấu hoàn thành 2 tiểu dự án trước ngày 30/4/2024.
Có thể nói, sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sáng tạo, đột phá, là một trong những điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Do đó, từ đầu năm 2024 đến nay UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Việc sát sao để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn, các công trình trọng điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thời gian qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm. Kết quả cụ thể: Đối với 13 dự án (trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020), có 9 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong đó, dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã cơ bản hoàn thành; 4 dự án đang triển khai; 4 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư). Có 4 dự án ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư (1 dự án đang triển khai; 3 dự án đang thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định). Ngoài ra, 12 dự án trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, hiện có 6 dự án đang triển khai; 6 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Còn lại 46 dự án khác, hiện có 1 dự án đã cơ bản hoàn thành (Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa); 22 dự án đang triển khai; 23 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Để có được kết quả đó, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và sát sao đôn đốc của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng; giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trong lĩnh vực giao thông… Đồng thời, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư/nhà đầu tư hoặc giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo quy định đối với nhiều dự án quan trọng (như Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Xuân Lai; Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn; Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn…).
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án. Đồng thời, giao chỉ tiêu và yêu cầu UBND cấp huyện tổ chức ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư của từng dự án; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng của dự án…
Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ
Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song quá trình triển khai các dự án lớn, trọng điểm vẫn đang bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, có 34/71 dự án đang gặp khó do việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án. Các dự án lĩnh vực văn hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu và di sản văn hóa… dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư của một số dự án chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức và thiếu tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đang triển khai thực hiện thì vướng về mặt bằng (24/34 dự án). Các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có quy trình thực hiện trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài; một số dự án phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Ngoài ra, trách nhiệm một số chủ đầu tư/nhà đầu tư chưa cao, thiếu quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo; năng lực tài chính hạn chế. Công tác theo dõi, đôn đốc, phối hợp, giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, đầu tư dự án của các đơn vị liên quan dù đã thực hiện, nhưng chưa thường xuyên, liên tục…
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trước hết vẫn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp. Việc triển khai các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và bảo đảm chất lượng, có vai trò, trách nhiệm rất lớn của các chủ đầu tư, các đơn vị, nhà thầu, doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư, cũng cần kiên quyết đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài, dành quỹ đất cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai dự án.
Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2024. Các địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để quyết liệt chỉ đạo; đồng thời, thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng với các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ trong từng khâu, từng công việc, từng giai đoạn thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công để có giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung thêm các mũi thi công để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, rà soát những nội dung quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng còn bất cập, để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, nhằm khơi thông các “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Xuân
Bài 3: Công nghiệp tiếp đà hồi phục.