Kể từ năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESSCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại thì hoạt động hầu đồng cùng các câu chuyện liên quan không chỉ được biết đến nhiều hơn mà còn được thể hiện sáng tạo, đa dạng hơn với nhiều thay đổi thú vị. Lễ phục hầu đồng là một trong số đó.
Nghi lễ hầu đồng thường có 36 giá ngự, theo lệ sẽ có tương ứng 36 bộ khăn ngự áo chầu khác nhau. Mẫu mã, phụ kiện của số khăn áo này rất phong phú. Đặc biệt nó mang đặc trưng rõ ràng về từng vùng miền, từng vị thánh ngự hầu. Đồng thời tuân theo những quy cách và các ước định màu sắc cùng sự phối kết trang phụ kiện chặt chẽ.
Theo thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung (thủ nhang đền Hàn Sơn và đền cô Bơ Bông, Hà Trung, Thanh Hóa) thì mỗi vị thánh có xuất xứ cùng các tích truyện khác nhau. Thế nên các bộ lễ phục cũng phải thể hiện khác nhau, các thanh đồng dù theo sở thích cá nhân hay điều kiện kinh tế tốt đến đâu cũng cần tuân thủ các nguyên tắc về thời trang của từng giá.
“Ví dụ trang phục của Cô Đôi Thượng Ngàn là áo xanh lá cây thêu hoa, cổ đeo kiềng bạc, đầu chít khăn củ ấu… Trang phục cô Bơ bông có màu trắng, khăn đội đầu cũng màu trắng, thắt dải lưng màu trắng (hoặc hồng). Hoặc trang phục Cô Chín Thượng Ngàn có màu hồng phơn phớt đào phai, đi hài hoa, đeo vòng hồng… Trong khi đó, trang phục Thánh Ông Hoàng Mười lại là long phục màu vàng, thêu chữ Thọ, đầu đội khăn xếp, thắt đai vàng, trâm cài tóc vàng…”, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung nói.
“Lễ phục nhà Thánh không kể giá trị vật chất. Có bộ vài trăm ngàn nhưng cũng có bộ vài triệu. Có tòa lễ phục tiền trăm nhưng cũng có tòa tiền tỷ. Nói chung đồ vào các vấn hầu diện Thánh ngoài thành tâm cần chỉn chu, chuẩn chỉ – tuân thủ chặt chẽ từ họa tiết, màu sắc đến chất liệu. Để làm ra những bộ lễ phục đẹp thợ phải hiểu về “tính” của Thánh, về các tích liên quan, về màu sắc, về họa tiết quy định…”, chị Dung nói.
“Làm lễ phục cho mình Dung rất cẩn thận, Dung đưa đồ về làng nghề thêu Đông Cứu, Thường Tín, (Hà Nội). Nguyên liệu Dung tự tay chọn lựa, từng mảnh gấm, mảnh lụa – loại tốt nhất dù giá khá đắt (có loại lên đến hơn nửa triệu đồng mỗi mét). Khi dựng bộ, Dung cũng thuê thêu thủ công hoàn toàn. Giá thêu mỗi bộ (tính thành phẩm) cũng phải từ một đến vài triệu mỗi bộ (tùy tính chất, yêu cầu về mức độ phức tạp hay đơn giản). Thời gian thêu mất từ 1 – 3 tháng. Bù lại thì sản phẩm lên rất ưng. Hình thêu chuẩn, Rồng ra Rồng, Phượng ra Phượng. Đường thêu uyển chuyển sinh động, những người giàu cảm xúc như các thanh đồng nhìn vào rất xúc động”, chị Dung nói tiếp.
Không chỉ riêng chị Dung, với những thanh đồng có điều kiện thì việc đầu tư cho lễ phục rất được chú trọng. Họ quan niệm chuẩn bị trang phục diện thánh càng chỉn chu sẽ càng thể hiện được sự thành tâm, càng đẹp cảm xúc sẽ càng thăng hoa.
Trên thị trường, lễ phục nói chung và trang phục hầu đồng nói riêng mẫu mã, giá cả rất đa dạng. Nếu trang phục làm từ nguyên, phụ liệu thông thường, kết hợp với phụ kiện có chất liệu thời trang (đồ mỹ ký) thì giá chỉ từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng mỗi bộ, cả tòa cũng chỉ trên dưới chục triệu đồng. Tuy nhiên, với các bộ cao cấp thì khác. Ngoài việc được may từ những loại vải đắt đỏ thì các phụ liệu dùng theo cũng rất cao cấp như chỉ kim tuyến vàng cao cấp, hạt gắn bằng đá quý, pha lê, kim sa ngoại nhập… chưa kể phụ kiện trong bộ như vòng, xuyến, nhẫn… đều từ vàng, ngọc, đá quý… Tất cả khiến cho bộ trang phục có giá lên đến tiền trăm triệu, tiền tỷ…
Mỗi tòa trang phục có giá tiền tỷ nhưng nhiều thanh đồng không tiếc tiền. Đầu tư một lần, dùng cho các khóa lễ hàng kỳ, hàng năm để diện thánh giúp họ thể hiện được phần nào tâm nguyện.
Song hơn hết là được mặc đẹp – mặc những bộ cánh không chỉ đắt giá, cao cấp, có nghệ thuật thêu, thùa, đính kết tinh xảo đáng ngưỡng mộ, có họa tiết, chi tiết mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống đáng tự hào để từ đó được đẹp, được tỏa sáng ở tín ngưỡng – nơi mà họ luôn nghĩ mới là chốn thuộc về.