Sáng 23/4, tại TP Sầm Sơn, Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Thanh Hóa có trên 130.000 thanh niên vùng DTTS, thuộc các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ, chiếm 13% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn phối hợp cùng cơ quan công tác dân tộc cùng cấp tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho ĐVTN vùng DTTS và miền núi về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách lớn về công tác thanh niên, công tác dân tộc và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Các đại biểu dự hội nghị.
Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, Tỉnh đoàn phối hợp cùng các ban, ngành tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn, nhân rộng các mô hình trang trại trẻ. Tính đến nay, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho tổ chức Đoàn quản lý đã tăng lên 1.619 tỷ đồng, triển khai cho 28.819 hộ vay vốn. Nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn do Tỉnh đoàn quản lý là 2,350 tỷ đồng cho 27 dự án thanh niên vay mở rộng mô hình, tạo việc làm cho gần 200 lao động.
Bên cạnh đó, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN đã giúp nhiều thanh niên miền núi khởi nghiệp thành công.
40 gương ĐVTN tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị.
Tại buổi lễ, 40 cá nhân tiêu biểu đã được vinh danh trong tổng số 254 thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.
Khởi nghiệp thành công từ 100 triệu đồng vay Quỹ khởi nghiệp thanh niên
Chị Lương Thị Lực, xã Sơn Điện, Quan Sơn. Năm 2020, khi được vay 100 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp thanh niên, chị Lực đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm. Để có thể nuôi thành công loại cá mới, chị đã đi đến hàng chục trang trại nuôi cá trong cả nước để học tập kinh nghiệm, phương pháp, cách thức nuôi cá. Sau nhiều nỗ lực, chị đã nuôi thành công cá tầm, cá hồi trên đất Quan Sơn. Hiện nay, ngoài cá thương phẩm, cơ sở của chị còn sản xuất cá giống xuất bán đi Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh… đưa tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người. Cô học sinh “3 tốt” ở ngôi trường dân tộc nội trú
Phạm Châu Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Phạm Châu Giang là một cô gái năng động, mạnh mẽ, nhân tố tích cực trong các hoạt động Đoàn của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Giang hiện “sở hữu” bảng thành tích đáng tự hào: Học sinh 3 tốt cấp tỉnh năm 2023, HCV môn karatedo nội dung quyền, HCB môn karatedo nội dung đối kháng tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hóa năm 2023 và nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích suất sắc trong hoạt động Đoàn. Người con của bản với quyết tâm thực hiện ước mơ học đại học
Anh Lò Văn Bun, bản Qua, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Lò Văn Bun là một trong những người con hiếm hoi của bản Qua đang theo học đại học. Vượt lên nghịch cảnh, bằng sự nỗ lực của bản thân, Bun hiện là sinh viên năm 2 Khoa Nông lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. Bun cho biết, trước đây trong bản có một số anh chị đã từng đậu đại học nhưng đều bỏ giữa chừng, em không muốn như các anh chị, em muốn hoàn thành xong chương trình đại học. Ngành nông lâm nghiệp là ngành yêu thích của em, sau khi học xong em sẽ đem những kiến thức hữu ích về giúp ích cho bản thân và người dân trong bản. Quyết tâm mạnh mẽ và lối sống tích cực, Bun đã giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do nhà trường và tỉnh tổ chức, trở thành sinh viên suất sắc trong các hoạt động, phong trào Đoàn. |
Vân Anh