Việc chậm trễ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trong thời gian vừa qua có nguyên nhân bất khả kháng từ dịch bệnh COVID-19; hay những bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục và nhiều vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)… Song không thể phủ nhận một số chủ đầu tư còn yếu, kém về năng lực, chưa chủ động triển khai dự án. Tất cả đã và đang là rào cản đối với việc triển khai các dự án đúng kế hoạch.
CCN Hợp Thắng (Triệu Sơn) mới được chấp thuận đưa vào danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa tháng 9/2023.
Nhiều nguyên nhân từ phía Nhà nước
CCN Hợp Thắng (Triệu Sơn) được thành lập tháng 8/2020. Dự án có tổng vốn 525 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư Trường Đại Lộc làm chủ đầu tư. Nằm trên địa bàn 2 xã Hợp Thắng và Vân Sơn, thuận lợi trong GPMB và nguồn lao động, đây còn là 1 CCN có tính chiến lược của huyện Triệu Sơn khi đắc địa về vị trí địa lý là có tuyến đường “hai cảng” huyết mạch chạy qua. Với 70 ha, CCN này được quy hoạch phát triển các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao như: cơ khí chế tạo, chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, thiết bị máy móc, linh kiện điện tử… Dự định tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào quý III-2024, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công và đã phải điều chỉnh tiến độ.
Ông Trần Văn Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Trường Đại Lộc, chia sẻ: “Thời gian sau khi có quyết định thành lập đến nửa đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 khiến các công việc liên quan đến triển khai đầu tư đều bị hạn chế. Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp xúc tiến công tác đầu tư trở lại thì lại gặp khó khăn do chờ thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện GPMB. Tháng 9/2023 vừa qua, “nút thắt” này mới được tháo gỡ khi dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận đưa vào danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa, từ đó mới có cơ sở để chúng tôi triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo”.
Được biết, trên địa bàn huyện Triệu Sơn được quy hoạch 3 CCN. Ngoài CCN Hợp Thắng còn có CCN liên xã Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền với diện tích khoảng 50 ha cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, do vướng mắc về hạn mức chuyển đổi đất lúa nên hiện mới có CCN Hợp Thắng được bố trí quỹ đất để thực hiện.
Thực tế, khó khăn liên quan đến nguyên nhân thiếu hạn mức sử dụng đất công nghiệp hiện là một trong những nguyên nhân “khó đỡ” đối với cả chủ đầu tư lẫn chính quyền các địa phương có trách nhiệm trong công tác GPMB. Không chỉ với các CCN nhỏ mà đây còn là vướng mắc khó giải quyết đối với các KCN trên địa bàn tỉnh. Điển hình như KCN số 20 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Là 1 trong những KCN tiềm năng, được “chọn mặt gửi vàng” ưu tiên GPMB trước, tuy nhiên 63% diện tích KCN này, tương đương 382 ha là đất trồng lúa 2 vụ gặp vướng mắc liên quan đến việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho thị xã Nghi Sơn. Theo kế hoạch đã phân bổ đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa 2 vụ trên địa bàn thị xã Nghi Sơn chỉ có 108 ha và diện tích này đã thực hiện hết chỉ tiêu để phục vụ cho nhu cầu thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án. Ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: “Đầu năm 2023, thị xã mới chỉ được bổ sung cá biệt thêm 175 ha hạn mức để giải quyết vướng mắc, xử lý nóng một vài dự án, trong đó có 1 dự án tái định cư phục vụ di dân để thực hiện dự án KCN số 20. Chỉ tiêu cần để thực hiện GPMB KCN số 20 hiện vẫn chưa được giải quyết”.
Hệ thống xử lý nước thải đã đi vào vận hành của CCN Bắc Hoằng Hóa do Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS và các KCN, thực trạng GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng rất chậm tại các KCN trong KKTNS là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư có dấu hiệu chững lại tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây. Với kỳ vọng “dọn đường” cho những dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài sau làn sóng dịch chuyển, tái đầu tư sau COVID-19, tỉnh đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt trong khâu GPMB các KCN. Tuy nhiên, nếu hạn mức chuyển đổi đất trồng lúa không được cải thiện thì các khâu liên quan đến thu hút đầu tư cũng sẽ bị “tắc”.
Cùng với khó khăn do thiếu hạn mức chuyển đổi đất trồng lúa, còn có rất nhiều khó khăn khác cũng liên quan tới khâu GPMB đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án như: Chậm phê duyệt, cập nhật kế hoạch sử dụng đất, chờ thủ tục chuyển đổi đất rừng, thiếu hồ sơ làm căn cứ thu hồi đất và cả sự không đồng tình của người dân ở một số địa phương, nhất là tại KKTNS khi các khu tái định cư chưa được hoàn thiện.
Điển hình như 4 KCN tại KKTNS đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng là KCN luyện kim, KCN số 1, KCN số 3 và KCN số 15 đều đang bị chậm tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật có liên quan tới công tác GPMB. Khả quan nhất như KCN luyện kim hiện đã GPMB được hơn 227/323 ha, đạt 70% diện tích đất phải thu hồi. Nhà đầu tư triển khai hạ tầng trên diện tích hơn 214 ha và đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích hơn 174 ha. Tuy nhiên, 30% diện tích thu hồi còn lại liên quan tới 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở, vật kiến trúc trên địa bàn phường Hải Thượng (thị xã Nghi Sơn). Trong khi các khu tái định cư chưa được hình thành, việc GPMB để đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dự án này còn được dự báo sẽ khó khăn kéo dài.
Cùng với đó, KCN số 15 (KCN Đồng Vàng), quá trình GPMB cũng đang gặp khó do vướng mắc liên quan đến phần diện tích đất chồng lấn đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn; đồng thời UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân.
Hay như với các KCN ngoài KKTNS, KCN Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) là một KCN đã hình thành từ sớm và được đánh giá là hạ tầng tương đối đồng bộ trong 5/19 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên tồn tại về GPMB cũng dẫn tới cả 3 nhà đầu tư thứ cấp là Công ty CP Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 mới đầu tư được khoảng 70% khối lượng hạng mục. Một số tuyến đường giao thông kết nối và đặc biệt là công trình phòng cháy, chữa cháy cũng chưa hoàn thiện. Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, nhiều vướng mắc trong GPMB ở KCN này có liên quan tới khiếu nại, khiếu kiện bị kéo dài. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết, các hộ dân xây dựng trái phép các công trình nhà ở, làm đường dân sinh tại các khu vực đã GPMB tiếp tục gây ra những khó khăn mới khi tiến hành triển khai GPMB về sau.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS và các KCN, cho biết: “Thiếu quỹ đất sạch, khó khăn trong công tác GPMB như chưa đủ cơ sở pháp lý xác định giá đất, bồi thường, chậm tiến độ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất… là một trong những nguyên nhân rất quan trọng hiện nay dẫn tới những khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án. Việc chậm trễ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là tại KKTNS”.
Cùng với đó, theo các nhà đầu tư, việc chậm triển khai các quy hoạch khác có liên quan như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và nhiều thủ tục pháp lý liên quan vẫn còn bị kéo dài với nhiều bước thẩm định từ Trung ương tới địa phương, nhiều khi là chồng chéo. Điển hình như thủ tục thẩm duyệt thiết kế cơ sở phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thực hiện, doanh nghiệp phải chờ đợi hàng năm trời mới có thể triển khai thi công.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương kiến giải thêm nhiều nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng này như: Việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm ban hành chậm dẫn đến các thủ tục khác của CCN bị chậm; thời gian làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ các dự án; một số dự án chưa được phân bổ chỉ tiêu chuyển đổi đất trồng lúa nên chưa có cơ sở để chủ đầu tư triển khai dự án; công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 chậm do một số CCN phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị (CCN phía Tây Nam TP Thanh Hóa, CCN Cống Trúc). Một số CCN phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến dự án chậm tiến độ như: CCN Vĩnh Hòa, CCN Vạn Thắng – Yên Thọ, CCN Hòa Lộc, CCN Vân Du…
Bên cạnh đó, cũng theo Sở Công Thương, việc tính giá thuê đất làm căn cứ xác định nghĩa vụ ngân sách còn cao và chênh lệch, gây khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng và việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp sau này. Điển hình như CCN Thượng Ninh (Như Xuân) được phê duyệt giá đất năm 2023 với đơn giá lên tới hơn 754.253 đồng/m2; trong khi đó CCN Xuân Hòa (Thọ Xuân) được phê duyệt giá đất 264.815 đồng/m2 chỉ trước đó 2 năm.
Không phủ nhận sự yếu kém của nhiều nhà đầu tư
Ngoài những vướng mắc trên, thực trạng đầu tư dang dở hạ tầng tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh không thể phủ nhận tới nguyên nhân chủ quan từ một số chủ đầu tư chưa tích cực triển khai dự án.
Sản xuất kính cường lực tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Tâm (KCN Hoàng Long, TP Thanh Hóa).
Theo đó, nhiều chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn và cơ quan Nhà nước để triển khai hồ sơ, thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và phải điều chỉnh, gia hạn một hoặc nhiều lần. Một số chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, khó khăn về nguồn vốn đầu tư dẫn tới việc thực hiện dự án khó khăn ngay từ khâu thu xếp tài chính thực hiện bồi thường, GPMB như: KCN Lam Sơn Sao Vàng do Liên doanh Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, KCN số 1 tại KKTNS do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư có diện tích 67 ha. KCN này hiện đã bị chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ban đầu và được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện đúng tiến độ gia hạn và chỉ đạo của UBND tỉnh. Thậm chí, đối với khu vực đã được GPMB và cho thuê đất, nhà đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Cùng với đó, phần diện tích 34/67 ha còn lại liên quan tới công tác tái định cư cho hơn 200 hộ dân do xác định chi phí lớn nên nhà đầu tư không mặn mà triển khai. Ban Quản lý KKTNS và các KCN cùng chính quyền địa phương đã làm việc, yêu cầu doanh nghiệp lập khái toán kinh phí bồi thường, số hộ bị ảnh hưởng, kế hoạch triển khai và đề xuất nhưng chủ đầu tư cũng không tích cực thực hiện.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chủ đầu tư CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc); CCN Cẩm Châu (Cẩm Thủy); CCN Hà Lĩnh II (Hà Trung); CCN số 2 thị trấn Quán Lào (Yên Định)…
Theo Sở Công Thương, cả 45 CCN đã được thành lập đều bị chậm tiến độ theo quyết định thành lập ban đầu và phải điều chỉnh nhiều lần. Trong đó có 2 CCN chủ đầu tư đã tự nguyện “trả lại” dự án do không đủ năng lực triển khai và UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực là CCN Tam Linh (Nga Sơn) do Liên danh Công ty CP Đầu tư Skyland – Công ty BNB Hà Nội làm chủ đầu tư và CCN Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hải Vân làm chủ đầu tư. CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) cũng đang triển khai đề nghị chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập CCN dự án điều chỉnh tiến độ nhiều lần và chủ đầu tư không tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai.
Còn theo rà soát tiến độ, phân tích nguyên nhân từ Sở Công Thương đối với tình hình đầu tư các CCN sau khi được điều chỉnh dự án và điều chỉnh tiến độ thì vẫn còn 12/45 CCN chậm theo các mốc thời gian tại các quyết định này. Ngoài 5 CCN có nguyên nhân chậm từ phía Nhà nước thì vẫn có 6 CCN chậm tiến độ do nhà đầu tư không triển khai là CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc); CCN Cẩm Châu (Cẩm Thủy); CCN Xuân Hòa (Như Xuân); CCN số 2, thị trấn Quán Lào; CCN Hà Lĩnh 2 (Hà Trung); CCN Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc).
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài 3: Để không “lỡ nhịp” cuộc đua.