Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp để tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Phật giáo và UBND TP Thanh Hóa thả cá giống xuống khu vực sông Mã, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa).
Vốn sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông từ nhiều năm trước, nhưng những năm gần đây việc khai thác của gia đình chị Lê Thị Tuyết, xã Nga Liên (Nga Sơn) gặp nhiều khó khăn, cuộc sống không bảo đảm. Chị Tuyết cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ đánh bắt trên khu vực bến đò Hói Đào, mỗi tối có thể khai thác từ 20-30kg cá, tôm các loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông ngày càng giảm sút, việc khai thác khó khăn hơn, có những hôm rong ruổi hàng chục km sông nước nhưng thu nhập chẳng đáng kể, không bảo đảm cuộc sống. Không những gia đình tôi mà nhiều hộ khác làm nghề khai thác đã chuyển đổi sang buôn bán hoặc làm các nghề dịch vụ khác…”.
Huyện Nga Sơn có 20km bờ biển và khoảng 55km đường sông là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có hàng trăm lao động trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt chủ động chuyển đổi sang các nghề khác. Nguyên nhân được đưa ra là do sản lượng thủy sản giảm sút, người dân không thể sống được với nghề. Trước thực trạng đó, hằng năm, thực hiện phát động của ngành nông nghiệp về “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, UBND huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp Nhân dân cùng hành động chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, thực hiện thả con giống tôm, cua xuống các vùng thủy vực để tạo nguồn, gia tăng sản lượng thủy sản trong tự nhiên. Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Hằng năm vào tháng cao điểm (tháng 4), huyện luôn phát động và triển khai các hoạt động để tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Năm 2024, huyện Nga Sơn đã thả hơn 20 vạn con tôm, 3.000 con cua giống xuống khu vực cửa Lạch Sung, xã Nga Bạch để bổ sung nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân làm nghề khai thác.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tỉnh Thanh Hóa có 102km bờ biển, hàng trăm sông, suối lớn nhỏ, với hơn 120 loài cá, 12 loài tôm và hàng trăm loài sinh vật thủy, hải sản có giá trị khai thác khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng thủy, hải sản tự nhiên đang bị giảm từ 30-50%, thậm chí có những loài tuyệt chủng. Thực trạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên hệ thống sông ngòi, vùng biển ngày càng giảm sút đang trở nên báo động, không những gây ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên mà còn là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp. Nguyên nhân được đưa ra là do người dân khai thác bằng dụng cụ tận diệt, ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường…
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền để người dân làm nghề khai thác và người sinh sống tại khu vực sông suối, vùng bờ biển thực hiện các biện pháp khai thác bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương còn đồng hành trong việc xã hội hóa công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản và tái tạo, phát triển thủy sản. Đồng thời, hằng năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn Nhân dân thả các loài thủy sản có lợi cho môi trường sinh thái, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là những loài thủy sản nước ngọt nhằm phát triển kinh tế bền vững, có trách nhiệm với môi trường.
Những tháng đầu năm 2024, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và một số địa phương tổ chức 5 đợt thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tại TP Thanh Hóa, các huyện Nga Sơn, Quan Sơn, Thường Xuân… Tổng lượng con giống được thả xuống hệ thống sông, hồ, khu vực ven biển khoảng 6 tấn, gồm cá giống nước ngọt, cua, tôm…
Với những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp đã kêu gọi được các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, duy trì hoạt động này trở thành việc làm thường niên, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Bài và ảnh: Lê Thanh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-ve-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-de-phat-trien-ben-vung-229923.htm