Đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, ông Lang Hữu Phước – chủ trang trại rừng tại xã Yên Nhân (Thường Xuân), hồ hởi chia sẻ: được Nhà nước giao thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng (BVR) với diện tích 19,47ha rừng phòng hộ, từ năm 2019 đến nay gia đình đã trồng, chăm sóc 7ha rừng keo, trong đó có 4,5ha keo lai. Cán bộ, công nhân Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thường Xuân (chủ rừng) tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và BVR. Gia đình cùng với lực lượng của BQL rừng phòng hộ Thường Xuân và BQL thôn, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Rừng do hộ gia đình được giao quản lý luôn phát triển, không xảy ra tình trạng khai thác trái phép, cháy rừng.
Công nhân BQL rừng phòng hộ Thường Xuân phát dọn thực bì phục vụ PCCCR.
Cùng chúng tôi thăm những cánh rừng trồng gỗ lớn tại các xã trên địa bàn như Lương Sơn, Ngọc Phụng… Giám đốc BQL rừng phòng hộ Thường Xuân Lê Thế Sự chia sẻ: Đến tháng 5/2024 chúng tôi quản lý, bảo vệ và sử dụng 13.214,14ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ, trên địa bàn 9 xã huyện Thường Xuân. Trong mùa nắng nóng, BQL đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan trên địa bàn chủ động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến người dân; kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nguồn lửa đem vào rừng. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đơn vị đã mua sắm bổ sung dụng cụ phục vụ công tác PCCCR; phân công trực 24/24 giờ tăng cường cho công tác PCCCR; phát dọn làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng, làm mới đường băng cản lửa, đốt trước vật liệu cháy phục vụ PCCCR. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Để bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên rừng và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng trồng rừng sản xuất, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh với quy mô lớn, gắn trồng rừng với chế biến và thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng rừng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trọng tâm là trồng rừng bằng cây lâm nghiệp chất lượng cao, cây nuôi cấy mô tăng giá trị thu nhập cho chủ rừng, BQL đã chủ động hoàn thành xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng.
Từ năm 2007 đến tháng 5/2024 BQL rừng phòng hộ Thường Xuân đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây giống; tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định được hơn 2.000ha rừng sản xuất. Nét mới là từ năm 2021 đến tháng 5/2024 BQL đã tuyên truyền, vận động hộ gia đình nhận khoán trồng được 230ha cây keo nuôi cấy mô. Tuyên truyền để người dân trong vùng hiểu được ưu điểm nổi trội của cây nuôi cấy mô, vận động chủ rừng khắc phục khó khăn đầu tư mở rộng diện tích trồng mới rừng và trồng lại sau khai thác bằng cây nuôi cấy mô nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng thu nhập cho chủ rừng. Nhìn chung, toàn bộ diện tích rừng trồng bằng cây nuôi cấy mô đang được chăm sóc, bảo vệ, sinh trưởng phát triển tốt.
BQL rừng phòng hộ Thường Xuân đã xây dựng và thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng, chế biến, tiêu thụ một số loài dược liệu cát sâm và hoài sơn tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa”. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2024. Mục tiêu của dự án là thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn. Đến tháng 5/2024 các hộ tham gia dự án đã trồng được 13ha cây hoài sơn, 30ha cây cát sâm. Năm 2023 đã thu hoạch được 22 tấn hoài sơn khô, lợi nhuận sau chi phí đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Cây cát sâm với chu kỳ trồng đến thu hoạch từ 5 đến 6 năm, hiện tại giá trị thu nhập ước tính gấp 5 đến 8 lần cây keo.
Kết quả nổi bật trong những năm vừa qua và hơn 4 tháng đầu năm 2024 đó là toàn bộ diện tích rừng hiện có được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng. An ninh rừng được giữ vững, độ che phủ của rừng do BQL rừng phòng hộ Thường Xuân quản lý đạt trên 90%. Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đã và đang được phục hồi, phát triển ổn định.
Bài và ảnh: Thu Hòa