Hiện nay, trong thời đại công nghệ số phát triển, việc kinh doanh, mua bán trực tuyến thông qua các trang điện tử đã trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người dân. Không thể phủ nhận thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một hình thức mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái.
Tuy nhiên, cách thức mua hàng này cũng đang tiềm ẩn những rủi ro do người mua và người bán không gặp gỡ trực tiếp, không ít người bán hàng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Người tiêu dùng đã từng bước tiếp cận và dần quen với việc mua sắm trực tuyến tại các địa chỉ bán hàng trên internet. Chỉ cần một cái click chuột hoặc một cuộc điện thoại là mọi người có thể mua sắm bất kỳ sản phẩm, món hàng nào mình cần mà không phải đi chợ hoặc đến cửa hàng mua trực tiếp. Các đơn vị bán hàng, cơ sở kinh doanh ngày càng tận dụng, khai thác mạnh mẽ hình thức mua bán này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Phương Thảo, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn), cho biết: Do đặc thù công việc làm công nhân may, phải làm ca, chị không có nhiều thời gian để đi chợ, đến các cửa hàng mua đồ sinh hoạt hàng nên tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca. Theo đó, chị chỉ cần sử dụng điện thoại để vào các trang chuyên bán hàng hoặc trang cá nhân của bạn bè, người quen để tìm hiểu từ đồ ăn, thức uống hàng ngày đến thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử… để mua bán. Tuy vậy, việc mua trực tuyến cũng khiến chị nhiều lần dở khóc, dở cười vì mua phải hàng kém chất lượng, nhiều sản phẩm có mẫu mã và chất lượng không như quảng cáo. Chính vì thế, hiện nay chị Thảo chỉ chọn mua hàng ở những trang bán hàng của người quen, có uy tín hoặc chỗ nào đồng ý cho khách xem hàng trước khi thanh toán…
Hiện nay, những người có thói quen mua sắm trực tuyến qua các trang facebook cá nhân, sàn TMĐT như Lazada, Shopee… ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Phần vì tiện lợi, phần vì tin vào những lời quảng cáo về chất lượng hàng hóa, các chương trình giảm giá, khuyến mại mà người bán đưa ra… Trong đó, những mặt hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, thiết bị công nghệ và điện tử, sách, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì hoạt động TMĐT cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường một cách lành mạnh. Hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh TMĐT, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực TMĐT vì buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa nhập lậu… Trong 10 tháng 2023, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 1.629 vụ; xử lý 1.410 vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 6,24 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT với số lượng hàng hóa lớn. Điển hình như vụ việc phát hiện trên 12.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại thị xã Bỉm Sơn. Được biết, sau thời gian theo dõi hai trang Facebook có tên là “Nguyễn Thảo” và “Ntthaolasortie”, lực lượng quản lý thị trường và Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra các kho hàng của bà Trương Thị Liên, thường trú tại số 10 Tô Vĩnh Diện, phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, nhái sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, như: Channel, Gucci, Louis Vuitton, Kenzo… nhưng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm bắt địa bàn, triển khai nhiều giải pháp giám sát và đấu tranh xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm trong TMĐT, nhất là trong những tháng cuối năm, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Cùng với đó, đơn vị đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn TMĐT; phối hợp với các cơ quan, đơn vị đang quản lý các doanh nghiệp có sàn giao dịch TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Zalo… để đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp, cá nhân có các sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh bán hàng qua mạng trên các sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền quy định phải thông báo hoặc đăng ký website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng để các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định. Qua đó, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Khánh Phương