Tại Vườn Quốc gia Bến En hiện nay lim xanh mọc rải rác trên hầu hết các diện tích có rừng tự nhiên, với diện tích hơn 10.500ha. Trong đó, lim xanh phân bố tập trung tại khu vực Điện Ngọc và Sông Chàng, diện tích hơn 300ha, có đường kính chủ yếu khoảng 30 – 45cm.
Lim xanh trồng tại Vườn Quốc gia Bến En.
Trong các năm vừa qua, Vườn Quốc gia Bến En đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ diện tích rừng đặc dụng và ưu tiên giám sát vùng phân bố tập trung loài lim xanh hiện có, chú trọng bảo tồn và phát triển loài lim xanh bản địa. Từ năm 2011 đến tháng 6/2024, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chương trình hợp tác và tài trợ, Vườn Quốc gia Bến En đã triển khai thực hiện nhiều dự án lâm sinh, trồng rừng bằng cây lim xanh.
Để có giống phục vụ việc trồng và cung cấp cây giống cho các đơn vị trong vùng, cán bộ Vườn Quốc gia Bến En đã vào tận rừng sâu tìm, lựa chọn những cây lim xanh tự nhiên có sức phát triển tốt, tuổi đời khoảng 12 năm trở lên làm cây bố mẹ để lấy hạt về ươm cây con. Mỗi năm đơn vị thu hoạch được khoảng 3 tạ hạt giống phục vụ cho việc ươm cây giống.
Đến tháng 6/2024, Vườn Quốc gia Bến En đã trồng được 338,25ha lim xanh. Trong đó, dự án hợp tác với Tập đoàn Canon Việt Nam trồng bổ sung được 160ha, dự án trồng rừng sau tỉa thưa keo trồng 54,88ha, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia trồng làm giàu rừng được 106,87ha; diện tích còn lại trồng theo dự án trồng rừng thay thế và dự án “Bảo tồn và phát triển loài lim xanh” Vườn Quốc gia Bến En. Nhìn chung, rừng lim trồng mới được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng, phát triển tốt. Lim xanh trong rừng tự nhiên luôn được bảo vệ, phát triển tốt không để xảy ra khai thác trái phép.
Lim xanh là cây gỗ lớn rất bền, thường dùng trong xây dựng, đồ mộc cao cấp. Nấm lim xanh còn có giá trị rất cao trong chăm sóc sức khỏe con người. Thanh Hóa có điều kiện khí hậu, lập địa tương đối phù hợp với sinh trưởng, phát triển của lim xanh. Lim xanh là cây lâm nghiệp đặc trưng, bản địa của tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn tỉnh, lim xanh phân bố nhiều nhất tại các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Hà Trung… Đây là loài nguy cấp, quý hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng.
Nhận thức được giá trị về kinh tế, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học của lim xanh, trước năm 1945 người Pháp đã tổ chức trồng hàng chục ngàn ha lim xanh tại Cẩm Thủy và Thọ Xuân… Do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm không gắn với phát triển nên các khu rừng lim xanh ngày càng cạn kiệt. Vào thời điểm tháng 1/2018 toàn tỉnh có gần 20.000ha lim (thuần loài và hỗn giao, cây phân tán), tương đương hơn 10% diện tích rừng lim xanh trước đây. Do nhiều nguyên nhân mà số lượng và chất lượng cây lim xanh còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thực hiện các chương trình, dự án lâm nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng lim. Các tháng đầu năm 2024, các địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lim xanh; tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp chuẩn bị tốt hiện trường; cung ứng vật tư, cây giống “đầu vào”, chỉ đạo trồng mới 50ha rừng lim xanh hỗn giao với các cây lâm nghiệp khác.
Kết quả, từ năm 2018 đến tháng 6/2024 toàn tỉnh đã trồng lim xanh thuần loài và hỗn giao, trồng phân tán với các loài cây như luồng, keo tai tượng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung được gần 8.000ha rừng lim xanh, đưa tổng số rừng lim xanh của Thanh Hóa hiện nay lên gần 28.000ha. Nhìn chung, cây lim trồng mới được chăm sóc, bảo vệ, sinh trưởng, phát triển tốt.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) Nguyễn Đình Thái cho biết: Nhằm khôi phục và phát triển rừng lim xanh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã và đang phối hợp với UBND các huyện triển khai một số giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân và cộng đồng về giá trị kinh tế, khoa học, môi trường của cây lim xanh gắn với đời sống cộng đồng. Tuyển chọn cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn công nhận cây trội lấy giống, chủ động nguồn giống phục vụ gieo ươm. Huy động các nguồn vốn thực hiện có hiệu quả khôi phục và phát triển rừng lim xanh. Chủ động bảo vệ an toàn rừng lim xanh hiện có. Phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương, tổ chức quốc tế kêu gọi hỗ trợ tài chính, kỹ thuật quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đối với rừng tự nhiên, rừng trồng có lim xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn, khôi phục, phát triển bền vững nguồn gen cây lim xanh, phát huy những giá trị về văn hóa, khoa học, môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng lim.
Bài và ảnh: Thu Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-ve-khoi-phuc-va-phat-trien-rung-lim-xanh-217467.htm