Thanh Hóa hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gien các loại dược liệu bản địa, những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học bảo tồn phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình thành công, bước đầu mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi.
Mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng ở KBTTN Pù Hu.
Theo số liệu điều tra năm 2015 của Viện Dược liệu Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có 529 loại dược liệu bản địa. Trong đó, có 42 loài thuộc diện quý hiếm có tên trong Danh mục Đỏ cây thuốc Việt Nam và Sách Đỏ Việt Nam 2007 có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo tồn và phát triển cấp bách như: lan kim tuyến, ba kích, diệp hạ châu đắng, củ mài, bảy lá một hoa… Các loại dược liệu phân bố tập trung ở Vườn Quốc gia (VQG) Bến En và các Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên, Pù Luông, Pù Hu và Khu Bảo tồn loài Nam Động. Một thời gian dài, việc thu hái dược liệu diễn ra ở mức độ cao dẫn đến nguy cơ đe dọa tuyệt chủng nhiều loài dược liệu quý. Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, các KBTTN và VQG đã xây dựng các mô hình lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen dược liệu, nhất là nguồn gien dược liệu quý hiếm, đồng thời sản xuất dược liệu hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân trong khu vực vùng lõi và vùng đệm.
Với diện tích tự nhiên trên 28.000 ha, KBTTN Pù Hu được ghi nhận có 315 loài cây dược liệu. Tuy nhiên, trữ lượng của một số loài dược liệu quý bị suy giảm, một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ. Thực hiện chủ trương xây dựng mô hình thí điểm, trình diễn các loại cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, năm 2017 KBTTN Pù Hu đã thực hiện dự án khoa học công nghệ “Điều tra, bảo tồn và phát triển hai loại cây ba kích, sa nhân tím tại khu bảo tồn, giai đoạn 2017-2021”. Nguồn giống được cán bộ kỹ thuật thu hái, xử lý và nhân giống tại chỗ. Đơn vị đã trồng thử nghiệm 7.500 cây sa nhân tím, 5.000 cây ba kích dưới tán rừng. Do nguồn giống bản địa được nhân giống tại chỗ tốt nên các loại cây dược liệu này thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Qua hơn 4 năm triển khai thử nghiệm, tỉ lệ sống của cây ba kích và sa nhân tím đạt trên 90%. Việc thực hiện thành công dự án bảo tồn cây ba kích và cây sa nhân tím giúp đơn vị đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài dược liệu quý hiếm và cũng là cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng để nhân rộng mô hình ra các thôn, bản vùng đệm.
Trong 5 năm qua, khu vục miền núi đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Việc nhân giống và trồng đại trà tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, nên bước đầu các mô hình cây dược liệu dưới tán rừng đều có hiệu quả. Ngoài nguồn giống được thu hái và ươm thành công, quá trình trồng thử nghiệm tại các vùng rừng cho thấy các loại cây dược liệu này sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương với việc sinh trưởng tự nhiên. Nhiều mô hình cây dược liệu dưới tán rừng bước đầu thành công và mang lại hiệu quả kinh tế, như: mô hình trồng 3 loài cây dược liệu dưới tán rừng ở Khu Bảo tồn loài Nam Động và cây huyết đằng, ngũ gia bì ở Quan Hóa; sâm ngọc linh, lan kim tuyến của Công ty CP Sông Mã tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh); Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”; Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm tại 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa; bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây thuốc tại VQG Bến En…
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, có nhiều giải pháp thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo chuỗi để gắn trồng, sản xuất và chế biến, qua đó góp phần bảo tồn và nâng cao chất lượng giá trị các loại dược liệu trồng tự nhiên.
Bài và ảnh: Khánh Linh