Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc, mà còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, dân ca, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực… gắn với các nhân vật thờ phụng, phản ánh truyền thống dân tộc và đạo lý hướng về nguồn cội.
Di tích Đình Thi trong ngày hội lễ.
Tục thờ thần – Thành hoàng gắn với các yếu tố của tự nhiên: ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, bến nước… phản ánh tâm thức hướng về nguồn cội – khi từ hang động, núi rừng, những con người Việt cổ đã xuôi theo sông Mã khai thác đồng bằng và vươn ra biển khơi; thờ các nhân vật huyền thoại có bóng dáng lịch sử; thờ các vị Thành hoàng làng (có công dựng làng, lập bản, truyền dạy nghề nghiệp); tôn vinh các anh hùng lịch sử, biết ơn tiền nhân.
Đình làng thờ Thành hoàng là các vị Nhiên thần, Thiên thần, Nhân thần… không chỉ là thiết chế văn hóa, mà quan trọng hơn với các hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người trở về nguồn, cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa và còn là nơi bảo tàng sống văn hóa cổ truyền của dân tộc. Đình làng xứ Thanh kết tinh nhiều giá trị, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo, là nơi bảo lưu sắc thái văn hóa quê Thanh để phát triển kinh tế, du lịch.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ở miền xuôi vẫn còn nhiều ngôi đình thờ các vị Thành hoàng bảo trợ cho cuộc sống của cư dân bản địa, thế nhưng ở miền núi xứ Thanh, trải qua thời gian cho đến nay những ngôi đình còn tồn tại rất hiếm. Cách đây chưa lâu, ở làng Mu Chè, xã Lương Trung (Bá Thước) vẫn còn ngôi đình bằng gỗ khang trang, hằng năm dân làng mở hội dâng cúng Thành hoàng vào dịp Khai hạ (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) không chỉ thu hút các làng lân cận mà còn thu hút các mường khác trong vùng về hội. Sau khi đình đổ nát, việc dâng cúng và chiêm bái Thành hoàng không còn nữa. Theo khảo sát, ở miền Tây Thanh Hóa hiện chỉ còn tồn tại 2 ngôi đình của dân tộc Mường và dân tộc Thổ, đó là Đình Thi của đồng bào Thổ (Như Xuân), đình Mường Đòn của đồng bào Mường (huyện Thạch Thành) được bảo tồn và phát huy tốt và một số ngôi đình cổ nằm trong không gian văn hóa Mường – Việt.
Đình Thi nằm ở trung tâm làng Trung Thành, xã Yên Lễ (Như Xuân). Đình Thi là di tích đình duy nhất của đồng bào dân tộc Thổ của huyện Như Xuân, được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, loại hình di tích lịch sử – văn hóa.
Đình Thi là nơi thờ ông tổ của dòng họ Lê làng Trung Thành, tướng công Lê Phúc Thành, ông đã lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống giặc Minh gian khổ. Sau khi đất nước khải hoàn, ông được phong lộc điền ở làng Sẹt, giữ trọng trách quan lang, tập hợp, chiêu mộ dân binh và những người trong vùng về đây “khai sơn phá thạch” biến rừng cây rậm rạp và đầm lầy hoang vu thành xóm làng trù phú giữa nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Đình Thi được xây dựng vào năm 1495, thời Lê sơ, được Nhân dân trong làng trông coi và thờ cúng quanh năm. Trải qua thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đình cũ đã bị hoang phế và thần vị của tướng quân Lê Phúc Thành được rước vào đền để thờ. Những năm đầu thế kỷ XXI, đình Thi được tôn tạo và rước thần vị của tướng quân Lê Phúc Thành về thờ trên ngôi đình cũ.
Đình Thi được xây dựng trên gò đất rộng, xung quanh là những ruộng nước và xóm làng. Mặt bằng kiến trúc ngôi đền theo kiểu chuôi vồ, bên trong là hậu cung, kết cấu và vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, toát lên vẻ uy nghi, đường bệ in đậm trong tâm thức của người dân về đức Thành hoàng, người đã có công hộ quốc, an dân, phù trợ cho dân khang vật thịnh. Trải qua các triều đại, triều đình đều có sắc phong cho thần. Đình hiện còn lưu giữ hai sắc phong thời Nguyễn do vua Khải Định và Bảo Đại ban vào tháng 12/1922 và năm 1934.
Ngày giỗ của tướng quân Lê Phúc Thành được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm và đó cũng là ngày hội của đồng bào Thổ không chỉ thôn Trung Thành, xã Yên Lễ mà còn là ngày hội của đồng bào Thổ các xã Hóa Quỳ, Cát Tiên, Cát Vân, Xuân Bình, Thượng Ninh… huyện Như Xuân. Trong không gian thiêng, mọi người tưởng niệm và ghi công ơn của vị Thành hoàng làng đã có công khai dân lập ấp và những người con của ngài đã dày công khai khẩn và kiến thiết ruộng nương, cầu mong các vị thần linh và Thành hoàng làng phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh.
Về đình Mường Đòn: Mường Đòn là tên gọi chung của các thôn Vân Phú, Vân Phong, Vân Tiến, Vân Đình thuộc xã Thành Mỹ (Thạch Thành). Đình Mường Đòn thờ vị thần Bạch Mã Linh Lang, hiện còn 12 đạo sắc và hơn 30 bản sao sắc phong qua các triều từ thời Lê đến năm 1925, thần có tên là Vũ Duy Dương – vị tướng tài ba trấn giữ vùng đất phía Tây Thanh Hóa, thời vua Lê Trang tông, được ban sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và được dân làng tôn là Thành hoàng.
Đình Mường Đòn tọa lạc trên sườn phía Nam của quả đồi thấp. Phía trước là một cánh đồng giáp sông Bưởi. Phía sau dựa vào đồi núi tạo thế vững chắc. Bên tả có núi, bên hữu có sông Bưởi, với phong thủy “Tiền án, Hậu chẩm, tả thanh long hữu bạch hổ”, thế đất vượng, hài hòa.
Cấu trúc của đình gồm có chính tẩm “Thượng Điện” ba gian. Đó là nơi thâm nghiêm thờ tự Thành hoàng của Mường, gian giữa đặt Long Ngai, Giao ỷ, Thần vị, bình hương, ống hoa, bản chúc, hòm đựng sắc, các văn bản Hán Nôm. Hương án giữa có lư hương thờ Hội đồng. Phía trước có hai bộ Bát biểu gồm: hai đại đao, kiếm, giáo, mác, chùy, phủ việt, xà mâu. Hai gian bên có đôi ngựa thờ. Phía trên gian giữa có bức Đại tự đề: “Vạn cổ anh linh” (Muôn thuở anh hùng linh thiêng). Thượng điện kiến trúc gỗ đơn giản và có bức Đại tự trạm trổ cầu kỳ. Đặc biệt đồ thờ có sập Hương án chạm trổ tinh vi mang đậm kiến trúc thời Lê thế kỷ XVII, hoa văn tinh xảo, đường nét uyển chuyển.
Trung đình hay Tiền đường, là ngôi nhà 5 gian hai vì hẹp, kiến trúc gỗ 4 mái, ngôi đình trống 4 mặt. Về cấu trúc: Vì theo kiểu chồng rường kẻ chuyền bẩy, 4 mặt gồm 4 hàng cột. Hai cột cái, hai cột quần, không có cột hiên. Kết cấu xà: Mỗi cột có hai hàng; Thượng, Hạ. Giữa kể trung và bầy (giữa cột cái và cột quân) có trên kể, dưới con ngang để giằng hai cột cho vững chắc. Hai vì hồi chạm nạm hổ phù bằng gỗ, hoa văn trau chuốt, đường nét uyển chuyển. Toàn bộ kẻ, bẩy đều chạm trổ hình hoa, lá, cây, chim thú theo kiểu “Tứ quý, Tứ linh” đối xứng nhau.
Đình Mường Đòn xây dựng thời Lê Trung hưng và tu sửa nhiều lần, lần cuối ghi trên thượng lương: “Hoàng Triều Bảo Đại thập niên tức thứ trung tu…”, tức là năm thứ 10 niên hiệu Bảo Đại (1935) cho sửa chữa tôn tạo lớn. Trong đình có cửa võng chạm gỗ tinh vi, đề tài tứ linh, đôi rồng chầu đường nét uyển chuyển bay bổng. Phía dưới là bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” chạm trổ tinh xảo, sơn son, thép vàng. Vào dịp hội lễ, gian giữa biện lễ đặt trên hương án cao, hai kiệu thờ là kiệu bát cống (8 người khiêng) và kiệu long Đình (4 người khiêng) có muôi che 4 mặt. Hai bên cột cái sau gian giữa có đôi câu đối đề: “Thiên thu dực bảo trung hưng thánh/ Vạn đại bao phong thượng đẳng thần”.
Đình Mường Đòn là di tích kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật xứ Mường còn tồn tại đến nay, lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm cũng như các đồ thờ có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Trải qua bao biến thiên lịch sử, sự hủy hoại của thiên nhiên, môi trường, song với sự quan tâm bảo vệ tôn tạo của các cấp, các ngành ở địa phương, đặc biệt là các cụ phụ lão rất ý thức và trân trọng di tích nên di tích còn tồn tại tương đối tốt. Địa phương có tổ quản lý từ xã đến thôn với nhiệm vụ bảo vệ, tôn tạo phục vụ khách và Nhân dân. Đồng thời, địa phương đã rất dày công sưu tầm nghiên cứu các nguồn tài liệu và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc biệt là diễn tuồng gợi lại cội nguồn lịch sử được mọi người ưa thích, từ đó phát huy tinh thần cộng đồng cùng bảo vệ phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.
Ngoài Đình Thi và đình Mường Đòn, trong không gian văn hóa Mường – Việt ở tỉnh Thanh còn có một số ngôi đình khác đã xuống cấp hoặc chỉ còn phế tích như đình Vân Trai, xã Cẩm Vân và đình Phong Ý, huyện Cẩm Thủy.
Làng Vân Trai có đình thờ Thành hoàng Độc Cước. Đình dựng ở trung tâm làng hướng về phía Nam, trông ra sông Mã. Trước đình có trụ biểu, trên đỉnh có 2 Nghê, bên dưới hình Hổ phù và Hộ pháp. Sau tứ trụ là bức bình phong có đắp chữ thọ và Hổ phù trấn trạch. Đình có năm gian, hai chái bằng gỗ, chung quanh xây gạch, cửa bức bàn, theo hình thức kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc đình bằng gỗ được chạm khắc công phu với đề tài tứ long, tứ quý, trúc hóa long, hổ phù… tinh xảo. Gian giữa thờ công đồng, có chấp kích, bát biểu, kiệu thờ. Nhà tiền đường có đại tự, câu đối bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, chữ Hán ca ngợi công đức của thần. Nhà hậu cung có hương án thờ Độc Cước và các đồ thờ: đỉnh đồng, lư hương, đài rượu, độc bình, bản chúc, lọ hoa,… phía dưới có đôi Hạc sơn son thếp vàng chầu thánh. Trải qua các triều Lê, Nguyễn, triều đình phong cho thần 8 đạo sắc. Đến nay còn giữ một sắc phong duy nhất có niên hiệu Khải Định, phong cho thần là “Thế tế hiển ứng, cương nghị siêu dũng, cường quả đoan tục. Hiển hiện lĩnh binh. Quang khánh hoằng hưu. Phù vận hồng nghiệp, bảo hựu hữu quốc… Sơn tiêu uy linh Độc Cước – Chu Văn Minh”. Trong đình có đôi câu đối ghi công tích của thần Độc Cước: Tấn Lê, phù Lý, diệt Ma Nhung/ Phụ chính ức tà thần thông diệu (Tấn phong nhà Lê, giúp nhà Lý, diệt các loại giặc/Trọng điều nghĩa, trừ phi nghĩa, là vị thần thông thái, linh nghiệm).
Tọa lạc bên Cửa Hà, nơi sông Mã mở rộng lòng về với biển khơi là đình Phong Ý. Ngôi đình thiêng đã bị đổ nát vào những năm 70 của thế kỷ XX, hiện nay chỉ còn lại nền móng, chân tảng, đá bó vỉa, cột gỗ và thần tích bằng chữ Hán, một số hoành phi, câu đối… được người dân bảo quản.
Đình Phong Ý tọa lạc trên nền đất cao ráo, thoáng đãng, hướng về phía Nam, trông ra dòng sông Mã, phía Bắc là thác Ngốc Cùng và bến sông, nơi tập kết của các loại lâm thổ sản từ núi rừng miền Tây, để từ đây rời bến về xuôi. Trên bến, dưới sông đâu đâu cũng thấy đủ các loại gỗ, vì vậy mà dân gian luôn nhắc tới “trống Đồng Cổ, gỗ Phong Ý”. Đình Phong Ý có 5 gian và hậu cung làm bằng gỗ lim to chắc, mái lợp ngói mũi, xây dựng từ thời Tự Đức. Trong đình có cung tẩm, ngai thánh thờ Độc Cước và bát bửu, kiệu thờ cổ, có 3 sắc phong của triều Nguyễn phong cho thần. Về phía Đông là hang Chẹ (Chẹ Sơn), thờ Tiêu Sơn Độc Cước. Trước năm 1954, giỗ thần và cũng là lễ kỳ phúc của làng tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng, chính hội là ngày 12, lễ hội theo định kỳ 3 năm một lần làng mời chạ Vân Trai đến dự và tổ chức hát bội. Khi tế lễ thần Độc Cước, dân làng Phong Ý và đồng bào Mường tổ chức rước kiệu từ đình ra hang Chẹ rước lư hương của thần về đình để tế lễ. Trên núi Chẹ có dấu chân in trên đá tương truyền là dấu chân của thần Độc Cước. Trong hang Chẹ có hương án tự nhiên bằng đá, bát hương gốm thời Mạc và có tượng Hổ tạc bằng đá. Đã thành lệ, vào ngày 10 tháng 4 âm lịch dân làng tổ chức “bắn bù” cầu mưa.
Những ngôi đình cổ hiện còn ở miền Tây Thanh Hóa đến nay thuộc “của hiếm”, có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật rất cần được các cấp, các ngành, nhất là vai trò của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và đồng bào nơi đây cần tiếp tục đầu tư nhiều công sức bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân và noi gương tiền nhân, động viên và khích lệ đồng bào và thế hệ trẻ hăng hái lao động, học tập, dựng xây và bảo vệ đất nước, quê hương giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Hoàng Minh Tường