Thị trấn Thiệu Hóa được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Thiệu Đô và thị trấn Vạn Hà, nơi có dòng sông Chu êm đềm chảy qua. Dẫu trải qua nhiều biến động về địa giới, trên lộ trình xây dựng đô thị văn minh, thị trấn Thiệu Hóa vẫn luôn chú trọng, quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tấm lòng yêu mến, tri ân của các thế hệ cháu con đối với truyền thống, nét đẹp văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp, trao truyền.
Không gian thanh tịnh, hoài cổ của di tích chùa Chè.
Về thăm Đền thờ Tể tướng Nguyễn Quán Nho ở tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), vị khách lạ được lắng nghe nhiều giai thoại hay, cảm động, từ đó phần nào hiểu thêm được cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp của bậc danh nhân xưa. Đền thờ và lăng mộ Tể tướng Nguyễn Quán Nho là 1 trong 2 di tích cấp quốc gia trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Nguyễn Quán Nho sinh ra và lớn lên tại làng Đông Triều, xã Vạn Hà, huyện Thụy Nguyên thuộc thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê. Tuy sống cảnh cơ hàn, nghèo khó nhưng cậu bé Nguyễn Quán Nho đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Cậu tranh thủ từng cơ hội để được học chữ, theo đuổi việc đèn sách. Những khi theo mẹ đến giúp việc ở nhà giàu, cậu bé Nguyễn Quán Nho thường áp tai vào vách nhà để nghe lỏm lời thầy giảng và lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Đêm xuống, cậu bé vẫn miệt mài học dưới ánh sáng của chiếc đèn đom đóm tự chế. Bởi nỗ lực, cố gắng, ham học hỏi mà thành tài, sau khi đỗ đạt ở các kỳ thi hương, thi hội, năm 1667, Nguyễn Quán Nho đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi, lúc 30 tuổi.
Không chỉ là người có tư chất thông minh, hiếu học, ông còn được ngợi ca là người con hiếu thảo. Giai thoại về tấm lòng hiếu thảo của Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho được lưu truyền, khiến các thế hệ con cháu hôm nay không khỏi yêu mến, cảm phục. Chuyện rằng: Ngày Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng, mặc cho các quan lại hàng tổng hàng huyện chuẩn bị đón rước, mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Khi lý trưởng mời bà về dự lễ rước, bà nói rằng:
– Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!
Nguyễn Quán Nho nghe kể lại, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao làng cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về nhà rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ. Đến nay dân gian còn lưu truyền câu ca: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”.
Trong cuộc đời làm quan, trải qua nhiều đời vua, Nguyễn Quán Nho luôn là một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự Nhân dân, phụng sự đất nước. “Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi, Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca” là câu ca người đời lưu truyền nhằm ca ngợi tài năng, công đức của ông. Con người khi sống thì thanh liêm, ôn hòa hết mực, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời gắn bó nơi quê nhà, khép lại cuộc đời và sự nghiệp của một tài năng, nhân cách đáng kính trọng.
Không quy mô, bề thế về kiến trúc, đền thờ và lăng mộ Tể tướng Nguyễn Quán Nho gợi nét thâm trầm, cổ xưa. Những đường nét, họa tiết trang trí trên nóc mái, đôi nghê chầu trước cửa càng tôn lên nét đẹp, uy linh của ngôi đền. Đặc biệt, trong đền vẫn còn lưu giữ được bức họa chân dung Nguyễn Quán Nho được họa sĩ Trung Quốc vẽ trong một lần đi sứ. Năm 1993, đền thờ và lăng mộ Tể tướng Nguyễn Quán Nho được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Được biết, địa bàn thị trấn Thiệu Hóa hiện có 5 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là: Đền thờ và lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho, Di tích lịch sử đền thờ Đinh Lễ. Di tích cấp tỉnh (Di tích lịch sử Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh). Ngoài ra còn có di tích mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa của địa phương như: chùa Chè, Đền thờ Tiến sĩ Trịnh Cao Đệ.
Nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị trấn, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành về bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên, Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn được Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm thực hiện, gắn việc trùng tu, tôn tạo di tích với quảng bá nét đẹp đất và người, phát triển du lịch, giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương đến đông đảo người dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thị trấn Thiệu Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích. UBND thị trấn đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực tiếp quản lý di tích chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích. Các di tích được phê duyệt quy hoạch đảm bảo nguyên tắc phân định rõ ranh giới các khu vực bảo vệ di tích với khu vực bên ngoài theo biên bản khoanh vùng bảo vệ trong hồ sơ xếp hạng và quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để bàn giao cho các bộ phận quản lý trực tiếp. Từ nguồn vốn của huyện, nguồn kinh phí của địa phương và huy động xã hội hóa, thị trấn đã đầu tư nâng cấp, tôn tạo lăng mộ Tể tướng Nguyễn Quán Nho. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động tăng cường công tác xã hội hóa nhằm nâng cao nhận thức, đóng góp của toàn dân trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của thị trấn Thiệu Hóa còn một số tồn tại, hạn chế. Việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích đã được chú trọng nhưng còn chậm, chủ yếu mang tính chất bảo tồn do chưa có đủ nguồn lực đầu tư xứng tầm với quy mô, giá trị di tích. Việc phát triển không gian, không gian phụ trợ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, nghèo nàn nên chưa thúc đẩy du lịch địa phương. Công tác xã hội hóa còn yếu và thiếu trong khi nguồn lực, nhất là kinh phí đầu tư quy hoạch, trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế. Ông Lê Nguyên Cường, công chức văn hóa – xã hội thị trấn Thiệu Hóa cho biết: “Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực di tích còn thiếu; công tác tham mưu quản lý, phát huy giá trị di tích chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Trong thời gian tới, huyện Thiệu Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từ đó phục vụ tốt cho việc giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử – văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.
Để các giá trị lịch sử – văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh mềm”, “động lực” phát triển kinh tế – xã hội, cùng với nỗ lực của địa phương, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa thông qua việc làm thiết thực, hiệu quả. Thị trấn Thiệu Hóa cũng đề nghị các cấp, các ngành xem xét nâng mức hỗ trợ chống xuống cấp đối với di tích, bởi mức kinh phí hỗ trợ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở…
Bài và ảnh: Hoàng Linh