Thanh Hóa là miền quê giàu truyền thống yêu nước, lịch sử và cách mạng, đồng hành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến vĩ đại, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước, trên địa bàn tỉnh từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và ghi dấu những chiến công trong hai cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc. Cùng với những trang sử vàng chói lọi, miền quê Thanh Hóa còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng, là những địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập và noi theo.
Tượng đài và phù điêu tại Khu Di tích Ngọc Trạo (Thạch Thành).
Di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh với không gian rộng, từ miền núi, đồng bằng tới miền biển, đa dạng, phong phú gắn với: đình, chùa, khu di tích, địa điểm, nhà thờ, nhà lưu niệm, tượng đài,… phản ánh các giai đoạn lịch sử cách mạng, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, ghi dấu về địa điểm, nơi hoạt động, liên lạc của các chiến sĩ cách mạng, phong trào đấu tranh của Nhân dân, những chiến công vang dội của quân và dân ta… dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Di tích, địa điểm lịch sử cách mạng thời kỳ vận động thành lập Đảng bộ tỉnh (1925-1930) với các di tích là địa điểm thành lập các hội đọc sách báo (số nhà 26, phố Hàng Than), thành lập Đảng bộ Tân Việt (phố Lò Chum, thị xã Thanh Hóa) nhằm tuyên truyền, giác ngộ cách mạng lan rộng trong Nhân dân. Sự ra đời của các chi bộ Đảng ở Hàm Hạ (Đông Sơn) là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa (25-6-1930); thành lập chi bộ Đảng Phúc Lộc, tiền thân của Đảng bộ huyện Thiệu Hóa, ngày 10-7-1930 tại nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (nay thuộc xã Thiệu Tiến). Ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 Chi bộ Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân).
Di tích, địa điểm lịch sử cách mạng thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945) là những địa điểm thuộc thị xã Thanh Hóa, các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia (cũ), Nga Sơn, Hoằng Hóa… là nơi làm việc, liên lạc giữa các đồng chí chiến sĩ cách mạng trung kiên tập hợp quần chúng cách mạng tham gia biểu tình, mít tinh và đấu tranh khởi nghĩa. Đấu tranh khôi phục Đảng, chuyển phương thức hoạt động để tránh sự theo dõi của địch. Thành lập lại Đảng bộ tỉnh sau khi bị địch khủng bố. Xây dựng chiến khu Ngọc Trạo – một trong những chiến khu du kích đầu tiên trong cả nước, thành lập Đội du kích ở Hang Treo; đình Cẩm Bào, đình Bái Sơn, Đồng Ô là trạm “trung chuyển” lương thực, thực phẩm lên chiến khu…, chiến khu Ngọc Trạo bị giặc tập trung càn quét, tồn tại hơn 3 tháng, một số cán bộ cốt cán rơi vào tay giặc. Năm 1942, Đảng bộ tỉnh lâm thời được thành lập tại xã Nga Thắng. Ngôi nhà Mẹ Tơm (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) trở thành nơi làm việc và in ấn của cơ quan Tỉnh ủy trong những năm 1943-1944. Địa danh cồn Ba Cây, cồn Mả Nhón (Hoằng Hóa) – nơi khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trên địa bàn tỉnh và trong số những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất cả nước. Di tích Nhà máy đèn – địa điểm gắn liền với những sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng thị xã Thanh Hóa…
Di tích, địa điểm lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Thanh Hóa và cả nước khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 20-2-1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Bác đã có buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa tại Rừng Thông, nhà văn hóa Thông tin thị xã Thanh Hóa. Thanh Hóa cũng là “cái nôi” của Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954); nơi cất giữ tiền của Ngân hàng liên khu 3 (hang Ngân Hàng) tại huyện Ngọc Lặc; chiến công oanh liệt của nữ điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi tại vùng biển Sầm Sơn, đập tan âm mưu của Pháp đánh chiếm vùng tự do liên khu IV, phá hoại hậu phương của ta. Thanh Hóa huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi…
Di tích, địa điểm lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Thanh Hóa, Sầm Sơn đón tiếp đồng bào, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc. Bác Hồ về thăm Thanh Hóa vào năm 1960 và năm 1961. Những địa danh Hàm Rồng, Đồi C4, chùa Mật Đa, Nam Ngạn, Đò Lèn, Phà Ghép đã đi vào lịch sử và những tập thể, cá nhân anh hùng: lão dân quân Hoằng Trường, dân quân xã Phú Lệ, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, Thanh Thủy… với những chiến công rực rỡ tô đẹp truyền thống của quân và dân Thanh Hóa anh hùng. Thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ (1967-1973), Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh, chỉ huy tỉnh đội… chuyển về làm việc tại huyện Thiệu Hóa, xây hệ thống hầm hào đảm bảo an toàn, bí mật… Thanh Hóa góp phần cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 113 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích lịch sử cách mạng xếp hạng cấp tỉnh, số còn lại là các di tích lịch sử cách mạng đã và đang xây dựng hồ sơ, quy hoạch di tích đề nghị xếp hạng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, một số di tích lịch sử cách mạng đã và đang được ngân sách của Nhà nước, địa phương và xã hội hóa đầu tư trùng tu, tôn tạo, khôi phục và phát huy giá trị. Cùng với các di tích lịch sử cách mạng được tu bổ, tôn tạo, các công trình tưởng niệm và nhiều công trình nghiên cứu, các tập sách, tài liệu tìm hiểu, giáo dục truyền thống và lịch sử cách mạng gắn với các di tích là những tài liệu học tập, nghiên cứu trong các chi bộ đảng, trung tâm chính trị huyện và tỉnh, tài liệu giảng dạy trong trường học. Thông qua các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, báo công, dâng hương hoa tưởng niệm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng của đất nước, quê hương… đã góp phần nhân lên niềm tự hào, niềm tin yêu Đảng và Nhân dân anh hùng, bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, thực hiện lý tưởng và ước nguyện của các chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do, đẹp giàu cho đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đang có tình trạng xuống cấp hoặc trở thành phế tích vì chưa được chăm lo, bảo tồn và chưa phát huy được giá trị đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Còn xảy ra việc khai thác, sử dụng di tích lịch sử cách mạng sai mục đích, xâm lấn, làm biến dạng di tích gốc. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm. Nguồn kinh phí chi cho hoạt động bảo tồn, xếp hạng di tích lịch sử cách mạng còn thiếu; kinh phí tu bổ, tôn tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực và chuyên môn của cán bộ, hướng dẫn viên và người giới thiệu di tích lịch sử và cách mạng ở một số di tích còn hạn chế, chưa hiểu hết ý nghĩa lịch sử của di tích. Việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua tham quan các di tích lịch sử cách mạng còn ít, chưa có sức hấp dẫn Nhân dân và du khách thường xuyên đến thăm và tìm hiểu về giá trị của di tích lịch sử cách mạng. Công tác quảng bá, giới thiệu về giá trị của các di tích lịch sử cách mạng vẫn còn nhiều hạn chế.
Di tích lịch sử cách mạng là những mốc son in đậm và là niềm tự hào của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và của mọi người dân. Qua đó, nhằm nhân lên niềm tin đối với Đảng, lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường