Với sự “nở rộ” và phát triển nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại, nhiều siêu thị, cửa hàng và chợ kinh doanh theo hình thức truyền thống đang nỗ lực làm mới để có thể lấy lại thị phần và đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa ngày càng có nhiều các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tư nhân. Mới đây nhất là cửa hàng tiện lợi F+Store nằm trên đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) với sự đổi mới trong cách tiếp cận khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, điển hình là hình thức bán hàng 24/24h. Đại diện cửa hàng, chia sẻ: “Sau thành công của hai cửa hàng bán lẻ đồ Trung Hoa được khá nhiều bạn trẻ ưa chuộng, tôi quyết định mở thêm cửa hàng tiện lợi tích hợp quán cafe để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn. Dù bước đầu có nhiều khó khăn do hình thức kinh doanh khá mới mẻ nhưng nếu vẫn đi theo lối kinh doanh truyền thống theo tôi vẫn tốt, nhưng đổi mới sẽ càng tốt hơn”.
Trao đổi với phóng viên, nhiều khách hàng cũng đánh giá cao sự mới lạ này. “Nếu như trước đây em chẳng tìm được siêu thị nào mở quá 22h, nhưng bây giờ mỗi khi đi làm về khuya, em thường vào F+Store để mua mì gói và đồ uống lót dạ. Theo em đây là sự đổi mới cần thiết” – bạn Lương Nguyệt Hà, đường Trần Phú (TP Thanh Hóa) chia sẻ.
Các “đại gia” trong ngành bán lẻ của tỉnh cũng có kế hoạch đổi mới để phát triển mạnh mẽ, điển hình trong số đó là Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa. Với mục tiêu giá cả đi đôi với chất lượng, siêu thị luôn cải tiến chất lượng sản phẩm từ thịt, hải sản, rau, củ, trái cây hay các thực phẩm khô. Tất cả các nguồn hàng đưa vào siêu thị đều phải có nguồn gốc xuất xứ an toàn và có chứng nhận an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, siêu thị còn có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như khuyến mãi giờ vàng (từ 9 – 10 giờ sáng), hay chương trình “Săn tem thưởng – Đổi quà ngay”. Để được tặng 1 tem, khách hàng chỉ cần mua sắm với hóa đơn từ 200.000 đồng trong khu tự chọn của siêu thị. Tích lũy từ 5 tem trở lên, khách hàng có thể trả thêm tiền mặt và đổi sản phẩm tương ứng. Với những vị khách có thẻ khách hàng thân thiết của Co.op Mart, chương trình còn là điểm cộng thú vị khi khách hàng được hưởng “quyền lợi kép”: Vừa tích tem đổi quà vừa được hưởng các ưu đãi thường niên khác như quà sinh nhật, mua hàng với giá ưu đãi riêng, chiết khấu thương mại…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa, cho biết: Với thị trường bán lẻ đầy tiềm năng như hiện nay thì việc cạnh tranh là không tránh khỏi. Tuy nhiên, cạnh tranh văn minh, cạnh tranh để tốt hơn, cạnh tranh vì đại cuộc mới là điều nên để tâm. Vì vậy, để cạnh tranh, bên cạnh việc tạo các chương trình thu hút khách hàng theo hình thức offline (trực tiếp), siêu thị đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng qua cả hình thức online (trực tuyến) với app (ứng dụng) SAIGON CO.OP. Tại đây, các cẩm nang mua sắm, thông tin khuyến mại hay số điểm tích lũy luôn được cập nhật từng ngày để khách hàng yên tâm trải nghiệm dịch vụ. Ngoài ra, các thắc mắc, trao đổi về dịch vụ, chất lượng hàng hóa của siêu thị cũng sẽ được cập nhật trên nền tảng này và khách hàng có thể phản hồi tại đây. Qua đó, nhà bán lẻ có thể chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.
“Ngoài chất lượng sản phẩm tốt, điểm ưu thế nhất của đơn vị khi đưa ứng dụng vào hình thức kinh doanh online là thời gian giao hàng rất nhanh. Nếu khi khách hàng cần gấp thì có thể ghi chú vào để siêu thị biết và giao ngay lập tức trong vòng 30 phút, còn đối với những đơn hàng thông thường thì thời gian giao hàng cũng chỉ dao động từ 45 – 60 phút. Tất cả các đơn hàng trong phạm vị TP Thanh Hóa hoàn toàn miễn phí”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chính nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ mà doanh thu mua sắm đã “bùng nổ” mạnh mẽ. Theo thống kê của Sở Công Thương, 8 tháng năm 2023, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt 87.535 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8-2023 đạt 11.409 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, bán lẻ theo phương thức truyền thống hay hiện đại đều có ưu điểm riêng. Tuy nhiên, nếu chỉ bán lẻ đơn thuần, khách hàng sẽ không được tiếp cận với những hình thức mua bán mới và tiện lợi, ngược lại cũng vậy, nếu chỉ chú tâm vào đổi mới cách thức kinh doanh mà không đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu thì khách hàng sẽ chỉ đến một lần. Vì vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải có chiến lược phát triển mới phù hợp để đứng vững và phát triển trên thị trường.
Bài và ảnh: Chi Phạm