Rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận có giá trị tại buổi làm việc tập trung vào những nội dung trọng tâm của các nghị quyết sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, nghiên cứu và chắt lọc như: Cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quan điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp nhà nước; cơ chế, chính sách chung cho vấn đề quy hoạch, tính đồng bộ trong việc thực hiện quy hoạch vùng, lĩnh vực; cơ chế đột phá cho hoạt động khoa học – công nghệ.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 5/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án phục vụ sơ kết tình hình thực hiện các nghị quyết về kinh tế tư nhân của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành ngày 3/6/2017.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm và các đại biểu của tỉnh dự buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan; lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa – Ninh Bình.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành 3 Nghị quyết về kinh tế tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết đến các đơn vị ngành dọc, các thành viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh dự buổi làm việc.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu của 3 nghị quyết cụ thể như sau: Trong giai đoạn 2017 – 2023, trên địa bàn tỉnh có 21.660 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn điều lệ 193.900 tỷ đồng (bình quân vốn điều lệ đạt 8,94 tỷ đồng/doanh nghiệp). Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 2 lần so với năm 2017. Trong đó có 20.366 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 99,2% tổng số doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được nâng lên, nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2022 đạt 49.700 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng thu nội địa.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Đi liền với đó, tỉnh đã tập trung thực hiện công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, tạo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế được tiếp cận, thực hiện đầu tư, khai thác, kinh doanh theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cơ bản đáp ứng theo lộ trình; việc sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng. Theo đó tỉnh đã sắp xếp giảm được 36 đơn vị so với năm 2017; cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi HTX sang mô hình kiểu mới theo quy định; thành lập mới 377 HTX và 3 liên hiệp HTX; hoạt động của các HTX ngày càng phát huy hiệu quả.
Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3.857,1 triệu USD; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 167 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Về thị trường lao động, tỉnh dã xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; tổ chức 230 phiên giao dịch việc làm với 2.200 lượt đơn vị và trên 105.000 lao động tham gia, kết nối việc làm thành công cho trên 20.500 lao động trong và ngoài tỉnh; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho trên 785.000 lượt lao động. Giai đoạn 2017 – 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 423.000 lao động; trong đó, có gần 59.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đáng nói hơn, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Cụ thể, tỉnh giữ nguyên 5 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đạt 100% kế hoạch; chuyển đổi 2 doanh nghiệp nhà nước thành Công ty TNHH hai thành viên, vượt 100% kế hoạch; thực hiện hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp, đạt 75% kế hoạch; thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và tay nghề cho người quản lý doanh nghiệp và người lao động, từng bước xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt.
Các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương trao đổi, làm rõ nội dung các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu làm rõ thêm các nội dung mà Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương quan tâm.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Túy phát biểu thảo luận.
Giám đốc Sở Công Thương phát biểu làm rõ thêm những nội dung mà Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương quan tâm.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đều khẳng định, tỉnh Thanh Hóa nghiêm túc triển khai các nghị quyết, qua đó tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời đã trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung về nâng cao hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân; hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; thực hiện Luật Quy hoạch, thực hiện công bố, công khai các quy hoạch, cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) được Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 3/6/2017 liên quan đến những vấn đề lớn và quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và mỗi tỉnh, thành phố. Sau khi các nghị quyết được ban hành, Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa thành chương trình hành động để triển khai thực hiện. Hiện nay, các nghị quyết đã đến giai đoạn sơ kết và các cơ quan có liên quan đã triển khai sơ kết đánh giá, gửi đầy đủ báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết tại địa phương về Ban Kinh tế Trung ương, trong đó có Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội địa phương; các chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Nhờ đó, tỉnh Thanh Hóa đã đạt những kết quả đáng khá toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận có giá trị tại buổi làm việc tập trung vào những nội dung trọng tâm của các nghị quyết sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu và chắt lọc để phục vụ cho việc xây dựng Đề án phục vụ sơ kết tình hình thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) như: Cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quan điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp nhà nước; cơ chế, chính sách chung cho vấn đề quy hoạch, tính đồng bộ trong việc thực hiện quy hoạch vùng, lĩnh vực; cơ chế đột phá cho hoạt động khoa học – công nghệ… Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thực hiện các nghị quyết.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII). Đồng thời khẳng định, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc triển khai, qua đó mang lại tác dụng lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại buổi làm việc.
Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện báo cáo, cùng với đó là các đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong quá trình thực hiện các nghị quyết, để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung trong cả nước và của tỉnh Thanh Hóa.
Trần Thanh