Trong giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, huyện Bá Thước đạt tỷ lệ 84,1%, cao hơn mức bình quân cả tỉnh (68,33%).
Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Bá Thước.
Ngày 24/4, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Phó Trưởng ban Mai Nhữ Thắng làm trưởng đoàn, đã giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) giai đoạn 2021 – 2023 tại huyện Bá Thước.
Đại biểu Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát thực tế công trình nước sạch tại xã Ban Công.
Theo báo cáo tại buổi giám sát, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Bá Thước đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình.
Quang cảnh buổi giám sát.
Trong đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo từng năm sang cơ chế lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm. Đồng thời, chú trọng giải pháp thông tin, truyền thông; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình theo chiều sâu, trọng tâm hướng vào chất lượng, hiệu quả…. Do đó, Chương trình 1719 đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo huyện Bá Thước báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 1719.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, trong tổng số 14 mục tiêu được UBND tỉnh giao thực hiện theo Chương trình 1719, huyện có 8 mục tiêu đã hoàn thành, 6 mục tiêu đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành. Dự kiến đến năm 2025, huyện Bá Thước có 12 mục tiêu hoàn thành kế hoạch; 2 mục tiêu dự kiến sẽ phải nỗ lực cố gắng hết sức mới có thể hoàn thành, gồm mục tiêu về tỷ lệ tăng thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lê Minh Hành phát biểu tại buổi giám sát.
Về tiến độ giải ngân vốn, từ năm 2021 – 2023, huyện Bá Thước được phân bổ 94,61 tỷ đồng, trong đó nguồn đầu tư phát triển là 46,46 tỷ đồng và 48,14 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến hết năm 2023, huyện đã giải ngân được 79,56 tỷ đồng, đạt 84,1% số vốn phân bổ, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 95,7%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình 1719, huyện Bá Thước còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể là chương trình này có nhiều nội dung, cơ chế và cách thức triển khai mới so với giai đoạn trước, trong khi đó việc ban hành các văn bản từ Trung ương còn chưa kịp thời, có những nội dung sau 2 năm thực hiện đã phải điều chỉnh, sửa đổi, dẫn đến địa phương gặp lúng túng trong quá trình thực hiện; nhiều nội dung mặc dù đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai, phải thực hiện điều chỉnh, hoặc chậm được giải ngân…
Đại biểu Bùi Thị Mười, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giám sát.
Từ thực tiễn thực hiện Chương trình 1719, huyện Bá Thước kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ cho các xã, thôn vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Bởi trên thực tế, những xã, thôn này vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt về hạ tầng kinh tế – xã hội, nếu không có sự hỗ trợ sẽ dễ trở lại là xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Huyện Bá Thước cũng kiến nghị Trung ương nâng mức hỗ trợ nhà ở theo Dự án 1 của Chương trình 1719 từ 40 triệu đồng lên mức 80 triệu đồng/hộ; nâng mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thôn, xã đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, huyện đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nâng lực cho cán bộ các cấp triển khai thực hiện Chương trình 1719. Xem xét, hỗ trợ kinh phí để huyện hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, gồm hạng mục: xây dựng nhà thi đấu đa năng và sân vận động cấp huyện…
Đại biểu Hà Văn Ca, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Lát tham gia ý kiến giám sát.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đánh giá cao huyện Bá Thước trong triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở nhiều dự án, tiểu dự án. Trong đó, có việc đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông, nước sạch, trường học; tỷ lệ giải ngân vốn chương trình đạt cao, trên mức trung bình toàn tỉnh; làm tốt công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn…
Đại biểu Cầm Bá Chái, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại buổi giám sát.
Đặt các câu hỏi giám sát, đi sâu phân tích một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã đề nghị huyện Bá Thước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân để tự lực, tự cường phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương; lồng ghép các dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp có ưu thế và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; các sở, ngành quan tâm vào cuộc, giúp các huyện miền núi nói chung và huyện Bá Thước nói riêng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn; đẩy nhanh công tác quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành; quan tâm, bảo trì các công trình vừa đầu tư xây dựng vì mùa mưa bão đang đến gần;…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đánh giá cao kết quả đạt được của huyện Bá Thước trong triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2023.
Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát.
Đồng chí đề nghị lãnh đạo huyện Bá Thước tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong đoàn giám sát. Đồng thời thực hiện đa dạng, phong phú các nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của Nhân dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Huy động xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Nâng cao năng lực, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, Chương trình 1719 nói riêng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình tại cơ sở.
Bên cạnh đó, huyện cần thực hiện rà soát lại các dự án vướng mắc các thủ tục pháp lý, không đảm bảo điều kiện triển khai, giải ngân để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, kiến nghị Trung ương giải quyết…
Để Chương trình 1719 đạt hiệu quả cao nhất, đồng chí Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh mong muốn huyện Bá Thước cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức thực hiện đồng bộ, tích cực các giải pháp, huy động sự vào cuộc của đông đảo Nhân dân trên địa bàn…
Đỗ Đức