Trong khi nhiều chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân vốn cao hoặc đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 và có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì vẫn còn đến 24/94 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả tỉnh và 8 chủ đầu tư chưa giải ngân. Nghịch lý này dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (đến ngày 18-8) của tỉnh chỉ đạt 6.593 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch giao chi tiết, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả này đã tạo áp lực rất lớn cho giải ngân những tháng cuối năm – phải giải ngân khoảng 8.330 tỷ đồng.
Công trình tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, thuộc địa bàn các huyện Hậu Lộc và Nga Sơn đang được các nhà thầu thi công. Ảnh: M.H
Nhìn rộng ra trên bình diện cả nước, cũng còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Thực trạng này cho thấy cần sớm giải quyết triệt để những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công đã được nhận diện và đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư lấy ý kiến góp ý để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Đó là nhóm nguyên nhân do vướng mắc thể chế, chính sách pháp luật; những vướng mắc trong thực hiện các quy định về đất đai, đánh giá tác động môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng… Cùng với đó là những nguyên nhân phát sinh nằm ngoài dự báo như giá cả nguyên vật liệu tăng cao khiến cho nhiều chủ đầu tư lúng túng. Một nguyên nhân chủ quan khác, phải được khẩn trương khắc phục là việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu tính chủ động và tinh thần trách nhiệm chưa cao.
Việc giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế, khi đầu tư tư nhân và chi tiêu xã hội bị sụt giảm, thì các chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, trong 3 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư công, Thanh Hóa đã dồn sức thực hiện được các dự án hạ tầng trọng điểm, thể hiện tầm nhìn chiến lược, đón đầu cơ hội phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 11% trở lên. Hoàn thành chỉ tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ tác động tích cực tới việc hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025, tạo đà bứt tốc trên hành trình đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58- NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thách thức và áp lực rất lớn cho hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Ngày 8-9-2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục ngay đối với các địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân. Kiên quyết điều chuyển vốn từ chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các chủ đầu tư, dự án có tiến độ giải ngân cao và có khả năng hấp thụ thêm vốn.
Đã vào giai đoạn “nước rút”, không thể chậm trễ nữa rồi!
Thanh Hóa