Tối 8/3, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức khai mạc Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Các đại biểu tham dự khai mạc.
Dự lễ khai mạc có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Chung, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cùng hơn 1.000 nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu và các đoàn nghệ thuật đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phần khai từ tại Liên hoan.
Với chủ đề “Xuân về trên quê Thanh”, Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024 mang đến nhiều tiết mục đặc sắc. Liên hoan bắt đầu với màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc của các nghệ nhân, diễn viên đến từ 27 huyện, thị, thành phố và các câu lạc bộ truyền thống và ca khúc “Thành phố bên bờ sông Mã”.
Ban tổ chức trao cờ cho các đơn vị tham gia.
Sau phần khai từ, là phần thi diễn chương trình văn nghệ dân gian, trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Các tiết mục tại Liên hoan.
Chương trình với nhiều tiết mục đặc sắc, đậm sắc xuân đã ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, tình đoàn kết các dân tộc anh em và những thành tựu kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương. Đồng thời, nhiều tiết mục đã mô phỏng khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của các dân tộc, góp phần phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục không phù hợp với cuộc sống hiện nay.
Các tiết mục tại Liên hoan.
Đặc biệt, qua phần thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, nhiều bộ trang phục dân tộc được thiết kế rực rỡ sắc màu, hoa văn phong phú, đa dạng gắn với đời sống hàng ngày và nhân sinh quan của người dân các dân tộc.
Thông qua các hoạt động tại Liên hoan đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc; gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng 7 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Phần trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc.
Liên hoan cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tỉnh Thanh Hóa đến đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước; thúc đẩy văn hóa, du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa phát triển; thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm để gìn giữ, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Video văn nghệ dân gian.
Video trình diễn trang phục truyền thống.
Trong ngày mai (9/3) các hoạt động: thi diễn Chương trình văn nghệ dân gian; trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trò chơi, trò diễn dân gian; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được diễn ra.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức sẽ trao giải cho các nội dung: văn nghệ dân gian; trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trò chơi, trò diễn dân gian; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Liên hoan sẽ bế mạc vào 20h ngày 9/3, với lễ tổng kết, trao giải.
Thùy Linh