Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề – chính là thời điểm lượng tiêu thụ hàng hóa cao nhất trong năm. Bởi vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong tỉnh đều đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị lượng hàng lớn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương) chuẩn bị lượng nước mắm lớn để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán.
Thời điểm này, tại Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương), có khá đông công nhân đang làm việc. Người thì nhanh tay rót nước mắm vào chai, người thì đang xếp nước mắm vào thùng… Chia sẻ với chúng tôi, anh Thạch Văn Hiểu, giám đốc công ty cho biết: “Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất và cũng là lúc lượng hàng hóa được xuất đi nhiều nhất. Bởi vậy, chúng tôi phải thuê thêm nhân công, làm ngày, làm đêm cho kịp hàng hóa gửi đi cho khách. Nước mắm của gia đình tôi chủ yếu được làm theo phương pháp truyền thống và được nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Nhưng đặc biệt, từ khi sản phẩm nước mắm Cự Nham được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh đến nay, lượng hàng bán ra tăng vọt. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán thì khách hàng đặt mua để ăn và làm quà biếu lại càng tăng. Do đó, từ tháng 10 âm lịch đến nay, chúng tôi phải thuê thêm nhân công để kịp làm ra sản phẩm phục vụ cho thị trường tết”.
“Để làm ra nước mắm ngon, nguyên chất, gia đình tôi luôn chọn nguyên liệu muối mắm chủ yếu là cá cơm tươi của chính những ngư dân địa phương khai thác về. Sau từ 18 đến 20 tháng muối ủ theo phương pháp truyền thống của địa phương, những dòng nước mắm được rút ra từ hệ thống chum và các bể. Với đặc thù là đơn vị sản xuất và chế biến nước mắm truyền thống lâu đời, nên chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các bước từ khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào, đến cách ướp, chượp, chưng cất, kiểm tra độ đạm…” – anh Hiểu cho biết thêm. Trên thực tế, nước mắm Cự Nham có màu vàng cánh gián, vị đậm, mùi thơm đặc trưng nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200 – 300 nghìn lít nước mắm các loại. Để sản phẩm hấp dẫn người mua và tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, công ty đã tích cực đầu tư cải tiến mẫu mã, nhãn mác.
Theo thống kê, xã Quảng Nham hiện có 285 phương tiện tàu thuyền. Toàn xã, hiện có 15 tổ hợp chế biến hải sản, trung bình chế biến được 13.500 tấn hải sản/năm. Dịp tết là thời điểm “đắt hàng” nhất trong cả năm nên hầu hết các cơ sở chế biến hải sản trong xã đều tích cực sản xuất để đảm bảo lượng hàng phục vụ cho khách.
TP Sầm Sơn có hơn 100 cơ sở chế biến hải sản, chủ yếu tập trung ở các phường Quảng Cư, Quảng Tiến, Bắc Sơn. Để chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đang tăng cường sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất hải sản đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp quảng bá thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Cũng nhờ đó nên các sản phẩm ở đây luôn được khách hàng ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất ra tỉnh ngoài với số lượng lớn.
Thông thường, từ tháng 10 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm các mặt hàng hải sản bán chạy nhất trong năm, gấp 2 đến 3 lần ngày thường, nhất là nước mắm, cá khô, moi khô… Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các cơ sở chế biến hải sản trong tỉnh đang hối hả đẩy mạnh sản xuất, thuê thêm nhân công. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đã chú trọng cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt