Cùng với phát triển các cây trồng chủ lực, huyện Ngọc Lặc khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển diện tích trồng cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.
Mô hình trồng quýt vòi tại thị trấn Ngọc Lặc cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển vùng cây ăn quả tập trung, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, ngày 7/4/2022, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-HĐND về việc ban hành Đề án Phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 2.508 ha (trong đó, diện tích trồng tập trung 2.131,7 ha; diện tích trồng mới 376,3 ha). Một số cây trồng chủ lực, như: dứa gai, mít, cam, bưởi, vải, xoài, nhãn, ổi, chuối, thanh long… Toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 1 HTX, 16 trang trại đầu tư phát triển trồng cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao, cho lợi nhuận bình quân từ 200 triệu đồng đến 350 triệu đồng/ha/năm. Nhờ tích cực phát triển diện tích cây ăn quả, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đang có nhiều vùng trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng dứa thâm canh theo hướng công nghệ cao, áp dụng đầu tư hệ thống tưới, phủ ni lông cho năng suất đạt 42 – 48 tấn/ha, giá bán từ 7 – 12 triệu đồng/tấn (có thời điểm 18 triệu đồng/tấn), giá trị sản xuất đạt 257 – 440 triệu đồng/ha. Tập trung tại các xã: Cao Thịnh 355 ha, Ngọc Trung 200 ha, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm 150 ha; Công ty TNHH 2TV Lam Sơn 120 ha… Mô hình trồng nhãn Hương Chi tại xã Ngọc Trung, áp dụng khoa học – kỹ thuật xử lý ra hoa sớm, cho thu hoạch trước thời vụ từ 1 – 1,5 tháng, giá bán từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, tăng so với chính vụ từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg. Các mô hình trồng cây ăn quả của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho thu hoạch cung cấp cho thị trường tiêu thụ tại các siêu thị Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu… Là một trong những điển hình trồng cây ăn quả của huyện Ngọc Lặc, anh Phạm Văn Hướng, khu phố Cao Xuân, thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: “Nhận thấy cây quýt vòi là cây bản địa có quả màu vàng đẹp, hương vị quả ngọt đậm, chua thanh và có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi đã đầu tư cải tạo vườn đồi để trồng tập trung. Đến nay, gia đình đã trồng 1.500 gốc quýt vòi, 200 gốc ổi trên diện tích 2,5 ha đồi và đang cho thu hoạch. Ngoài ra, còn chăn nuôi gà, ngỗng dưới tán cây ăn quả, mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 500 triệu đồng”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây ăn quả của Ngọc Lặc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích trồng cây ăn quả ở các xã, thị trấn phần lớn ở vùng đồi núi, đất lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng khó khăn, trình độ, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ và năng lực tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường của người sản xuất còn hạn chế, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trong khi sản phẩm trái cây chủ yếu theo mùa, huyện cũng chưa có nhà máy chế biến, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, phụ thuộc vào thương lái… nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, chủ yếu sản phẩm trồng theo phong trào, chạy theo cơ chế thị trường…
Huyện Ngọc Lặc đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả đạt 4.100 ha, trong đó có 2.700 ha diện tích tập trung với các loại như dứa, mít, na, vải, cam, bưởi, bơ Israel… sản lượng quả đạt trên 84.487,2 tấn/năm; giá trị thu nhập 591,41 tỷ đồng, chiếm 12% – 15% giá trị thu nhập ngành trồng trọt. Để đạt được kết quả đó, bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Trên cơ sở định hướng của Đề án Phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn rà soát kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả tập trung phù hợp với điều kiện đất đai, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ tập trung đất đai bằng các biện pháp dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng đất, thuê đất và góp đất để liên kết sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả.
Bài và ảnh: Lê Hợi