Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương (NHCSXH Quảng Xương) đang tập trung giải ngân cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (QĐ 22) của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho những người hoàn lương có cơ hội học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.
Cán bộ NHCSXH Quảng Xương rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng vốn tín dụng chính sách tại xã Quảng Long (Quảng Xương).
Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành nhằm tạo điều kiện giúp gia đình có người mãn hạn tù tiếp cận nguồn vốn để học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trước đây, do tuổi trẻ nông nổi, anh Đới Sỹ Tư ở thôn Xa Thư, xã Quảng Bình vướng vào vòng lao lý. Sau khi chấp hành xong bản án phạt tù, anh trở về quê tu chí làm ăn, tuy nhiên do thiếu vốn nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, khi biết có chính sách cho vay, gia đình anh đã đăng ký vay và được NHCSXH Quảng Xương giải ngân 80 triệu đồng để mua thêm máy móc phát triển nghề mộc của gia đình.
Anh Tư cho biết: “Nguồn vốn chính sách với lãi suất thấp, được hội nông dân nhận ủy thác, không cần tài sản thế chấp nên rất hữu ích và thuận lợi cho chúng tôi. Hy vọng nguồn vốn này giúp tôi làm ăn ngày một hiệu quả để gia đình có thu nhập, có tiền trả nợ ngân hàng”.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Bình Trần Thị Huệ cho biết: “Thực hiện chương trình tín dụng chính sách cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội tuyên truyền sâu rộng chính sách đến bà con Nhân dân, nhất là những đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đây là chính sách rất thiết thực, hữu ích giúp cho những trường hợp đã vi phạm pháp luật nay hoàn lương trở về địa phương có việc làm, xóa hiềm khích cũng như mặc cảm của bản thân”.
Theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ, người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; mức cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người, 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở. Lãi suất cho vay bằng lãi suất vay dành cho hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện tại là 6,6%/năm).
Thực hiện QĐ 22, NHCSXH Quảng Xương đã chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát nhu cầu vay vốn theo Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn để tổ chức giải ngân. Qua đó, nhanh chóng truyền tải, triển khai kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ các đối tượng lầm lỗi có vốn sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc NHCSXH Quảng Xương Nguyễn Duy Thủy cho biết: Chính sách giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, lập kế sinh nhai để họ có điều kiện phát triển bình đẳng trong cộng đồng. Điều quan trọng để được vay vốn là họ phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Khi đó, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn có thể chủ động trình bày nguyện vọng với UBND hoặc công an cấp xã để đưa vào diện thụ hưởng một cách sớm nhất.
Qua rà soát trên địa bàn huyện hiện có 33 đối tượng người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu vay vốn, trong đó có 13 trường hợp đủ điều kiện vay vốn theo QĐ 22. Để người dân thuộc đối tượng được tiếp cận nguồn vốn và phát huy hiệu quả vốn vay, NHCSXH Quảng Xương đang tập trung phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng, họp bình xét vay vốn công khai, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục vay vốn đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, công an cấp xã rà soát đối tượng và xác nhận kịp thời các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Minh Hà