Với mục tiêu khai thác, tận dụng nguồn đất đai và lao động sẵn có, những năm gần đây, huyện Nga Sơn đã khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để nâng cao thu nhập. Từ những mô hình vườn mẫu, sức lan tỏa của kinh tế vườn hộ đã lan rộng, phát huy hiệu quả, từng bước định hướng cho nông dân sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nâng cao thu nhập.
Khu vườn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, thôn 9, xã Nga Liên đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm.
Huyện Nga Sơn là địa phương có điều kiện thuận lợi để Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào đầu tư cải tạo sản xuất, trong đó kinh tế vườn hộ là một minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực. Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi về xã Nga Liên, một trong những xã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Cộng, thôn 4 có hơn 2.500m2 đất vườn. Trước đây, chủ yếu trồng một số loại cây ăn quả như dừa, hồng xiêm, táo… song không quy mô, trồng xen ghép nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi huyện, xã phát động phong trào, gia đình ông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, di chuyển, phân khu sản xuất theo hướng khoa học, hợp lý hơn. Theo đó, một phần quy hoạch trồng cây ăn quả như bưởi, cam, chuối, một phần quy hoạch trồng rau màu theo thời vụ. Ngoài ra, ông còn trồng hàng trăm gốc cau xung quanh vườn và xây dựng lối đi trong vườn thuận tiện, khoa học, đẹp mắt. Ông Cộng cho biết: “Nhờ cải tạo vườn tạp, đa dạng hóa các loại cây trồng và áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ khu vườn. Hiện nay, gia đình đã mở thêm dịch vụ ươm giống cây cau nên dự kiến thu nhập những năm tới sẽ cao hơn”.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Nga Liên có hơn 1.200 hộ dân thì có gần 1.000 hộ có vườn, từ năm 2012, khi UBND xã vận động người dân cải tạo, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng, từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn hộ hiệu quả, như: khu vườn của ông Vũ Văn Phượng, thôn 5; ông Vũ Thanh Hảo, thôn 2; ông Nguyễn Văn Hiền, thôn 9… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Cùng với cải tạo vườn tạp, nhiều hộ dân chủ động đầu tư, phát triển những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay trong vườn nhà. Ông Mai Văn Hào, thôn Hồ Đông là một điển hình trong phát triển kinh tế vườn hộ tại xã Nga Thành. Với 6.200m2 vườn bao quanh khu nhà ở, ông Mai Văn Hào đã khéo léo bố trí thành khu sản xuất đẹp mắt, hiệu quả kinh tế cao. Ông Hào cho biết: “2/3 diện tích vườn nhà được trồng cây ăn quả với khoảng cách rộng cho cây dễ sinh trưởng, phát triển. Tận dụng diện tích đó, gia đình tôi trồng một số cây dược liệu như địa liền, mã đề, ngải cứu, gừng… xung quanh vườn trồng thanh long, na, chuối. Ngoài ra, gia đình đã đầu tư xây dựng diện tích nhà lưới để sản xuất dưa kim hoàng hậu ứng dụng công nghệ cao, với diện tích gần 1.200m2”.
Nhờ làm vườn có quy hoạch, kế hoạch nên mặc dù có nhiều loại cây trồng song khu vườn vẫn thoáng, đẹp mắt. Được biết, các sản phẩm từ mô hình vườn hộ của gia đình ông Hào được đánh giá cao về chất lượng, có đầu ra luôn ổn định. Riêng dưa vàng trồng trong nhà lưới được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có đối tác ký hợp đồng bao tiêu từ nhiều năm qua. Doanh thu bình quân đạt hơn 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.
Xác định phát triển kinh tế vườn hộ là một trong những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân nên những năm qua, huyện Nga Sơn đã giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội vận động hội viên tích cực cải tạo diện tích vườn nhà. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nga Sơn cho biết: Sản xuất vườn hộ không đơn thuần là câu chuyện phát triển kinh tế mà đây còn là sự thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất, đồng thời khích lệ ý thức, trách nhiệm tự vươn lên trong Nhân dân. Do đó, hằng năm, huyện hội đã chỉ đạo các xã phát động phong trào cải tạo vườn tạp trong hội viên nhằm nâng cao thu nhập, góp phần tạo cảnh quan, môi trường… Năm 2023, toàn huyện cải tạo được hơn 3,2 ha vườn tạp, nhiều mô hình kinh tế vườn với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Để tiếp tục đưa kinh tế vườn hộ trở thành động lực nâng cao thu nhập cho người dân, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã và đang lựa chọn những mô hình điểm làm cơ sở nhân rộng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho Nhân dân trong quá trình cải tạo vườn hộ, vườn tạp; đưa các giống cây trồng có năng suất cao, sản phẩm tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tính chất đất đai để đưa vào sản xuất…
Bài và ảnh: Lê Hòa