Một trong những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành chất vấn đồng chí Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Kỳ họp thứ 17, đó là: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2022 kéo dài sang năm 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đề nghị làm rõ tình hình, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa trả lời chất vấn.
Giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch
Trả lời phiên chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa cho biết: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 12.505,572 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 2.418,739 tỷ đồng.
Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án.
Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 70 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% kế hoạch); 21 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh giải ngân đạt 46,2% kế hoạch; UBND cấp huyện giải ngân đạt 65,7% kế hoạch; UBND cấp xã giải ngân đạt 69,9% kế hoạch; các đơn vị khác giải ngân 82,9% kế hoạch.
Đại biểu Mai Nhữ Thắng, Tổ đại biểu huyện Triệu Sơn đặt câu hỏi chất vấn.
Về dự án, nhiệm vụ, chương trình: Trong tổng số 296 dự án, nhiệm vụ, chương trình được giao vốn, có 109 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, với số vốn là 993,066 tỷ đồng (trong đó có 26 dự án hoàn thành có quyết toán được duyệt là 92,093 tỷ đồng; 35 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt là 112,932 tỷ đồng; 34 dự án chuyển tiếp là 573,487 tỷ đồng; 7 dự án khởi công mới là 211,054 tỷ đồng; 7 dự án chuẩn bị đầu tư là 3,5 tỷ đồng).
Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Đến ngày 5/12/2023, giải ngân vốn (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch. Trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 bằng 45,5% kế hoạch. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như: Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 82,9%; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 80,4%.
Giám đốc Sở KH&ĐT cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm như: Công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp của một số dự án còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn vướng mắc ở nhiều dự án làm chậm và ảnh hướng đến tiến độ thực hiện. Tiến độ thi công của nhiều dự án chuyển tiếp còn chậm so với tiến độ thực hiện và hợp đồng thi công đã ký. Nhiều dự án đã quá thời gian thực hiện phải điều chỉnh tiến độ thực hiện trong dự án đầu tư. Các văn bản do Trung ương hướng dẫn triển khai các chương trình MTQG ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện…
Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Đại biểu Hà Thị Hương, Tổ đại biểu huyện Quan Hóa đặt câu hỏi chất vấn.
Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Mai Nhữ Thắng, Tổ đại biểu huyện Triệu Sơn về nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa nêu rõ: Việc chậm giải ngân vốn có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: Nhiều dự án, chủ đầu tư chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần để thay đổi quy mô đầu tư, hướng tuyến,… làm kéo dài thời gian thực hiện. Năng lực trong triển khai thực hiện của nhiều chủ đầu tư, các đơn vị liên quan có mặt còn hạn chế; chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra chưa dự báo được các tình huống khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án; cùng một hành lang pháp lý nhưng có chủ đầu tư, địa phương làm tốt, có chủ đầu tư, địa phương làm chưa tốt. Tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện dự án còn chưa cao, thiếu sâu sát. Năng lực, tinh thần trách nhiệm của nhà thầu tư vấn lập dự án, nhà thầu xây lắp còn hạn chế. Một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật dẫn đến chần chừ trong quá trình thực hiện. Một số dự án có thời điểm thiếu hụt nguyên vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Đối với việc giải ngân nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 đạt thấp chủ yếu là liên quan đến thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển Thanh Hóa.
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa trả lời chất vấn.
Để xảy ra sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện dự án. Liên quan đến dự án chậm trong GPMB có trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao thẩm định.
Tại phiên chất vấn, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng đã trả lời các nội dung liên quan đến việc chậm giải ngân triển khai thực hiện Dự án Kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và đê tả sông Lèn, huyện Hà Trung thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh trả lời chất vấn.
Nhận khuyến điểm về tiến độ giải ngân chậm, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cam kết sẽ hoàn thành dự án trước 30/5/2024.
Đại biểu Cao Tiến Đoan, Tổ đại biểu TP Sầm Sơn đặt câu hỏi tại phiên chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Tiến Đoan, Tổ đại biểu TP Sầm Sơn về giải pháp đối với chủ đầu tư chậm giải ngân vốn, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Minh Nghĩa cho biết, sẽ tham mưu thực thi giải pháp không giao thực hiện dự án mới cho chủ đầu tư giải ngân vốn chậm; đồng thời cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn đối với các chủ đầu tư.
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG, Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh: Trước mắt đối với dự án đang triển khai thực hiện, các huyện chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công. Về lâu dài sẽ rà soát các quy định, tập trung thực hiện các giải pháp giải ngân hết vốn trong năm 2024.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm tham gia trả lời chất vấn.
Ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên chất vấn, “tư lệnh” ngành Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm và ngành Xây dựng Phan Lê Quang cũng trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan đến nguồn cung vật liệu, giá vật liệu…
Trước ngày 31/12/2023 giải ngân từ 95% trở lên vốn đầu tư công còn lại của năm 2023; giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trước ngày 31/12/2023
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 11 tháng năm 2023 của tỉnh cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 7,03% mức bình quân chung của cả nước. Nhiều công trình hoàn thành đi vào sử dụng sớm mang lại hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện như: Một số công trình, dự án giải ngân còn chậm; công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp của một số dự án còn kéo dài; nhiều dự án đã quá thời gian thực hiện phải điều chỉnh tiến độ thực hiện trong dự án đầu tư. Công tác GPMB vẫn là “điểm nghẽn”, làm chậm và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của một số dự án, trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm…
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, Thường trực HĐND, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư thực hiện những giải pháp cam kết đã hứa tại kỳ họp để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả để tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư công, các chương trình MTQG, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong đó, đối với UBND tỉnh tập trung cao độ để chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và thực hiện các dự án đầu tư công. Xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Khẩn trương thực hiện phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 31/12/2023, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn Luật, các Nghị quyết của Quốc hội. Đối với vốn đầu tư công còn lại của năm 2023 phấn đấu trước ngày 31/12/2023 phải giải ngân từ 95% trở lên.
Rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân chậm đối với từng địa phương, đơn vị, chương trình, dự án cụ thể. Đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân, nhất là việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án.
Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao; không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các sở, ngành có liên quan khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát UBND cấp huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhất là các chuyển tiếp có tiến độ chậm. Kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của các chương trình.
Yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải nâng cao chất lượng thẩm định; rút ngắn tối đa thời gian thẩm định dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngay sau khi nhận được hồ sơ, đề xuất của các chủ đầu tư; đồng thời chủ động hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đúng trình tự, đảm bảo quy định pháp luật. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc, hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng năm.
Các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Kho bạc Nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ đề ra các giải pháp cụ thể của ngành; phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa để các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án; đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả GPMB trên địa bàn; thực hiện công tác GPMB theo hướng chủ động, linh hoạt, làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư và quản lý; báo cáo cấp trên để dược hướng dẫn, xử lý nếu vượt thẩm quyền. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của cấp xã quản lý.
Đối với các chủ đầu tư, phải quyết liệt, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án được giao làm chủ đầu tư. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra tiến độ thi công thực tế ngoài công trường so với hồ sơ dự thầu, hợp đồng thi công. Yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, bảo đảm tiến độ và yêu cầu chất lượng. Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng lưu ý, đối với các dự án dự kiến khởi công mới, cần chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục để triển khai thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao vốn, không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung trên, HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, cần tập trung cao, tạo sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo đến chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đề nghị các vị đại biểu và cử tri trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm theo dõi, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để cùng với các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phong Sắc