Chiều 30/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH) cấp tỉnh năm 2023, xây dựng chương trình năm 2024. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Huyền báo cáo kết quả công tác GS, PBXH của Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH cấp tỉnh năm 2023.
Báo cáo kết quả công tác GS, PBXH của Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH cấp tỉnh năm 2023 do lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình bày nêu rõ: Hoạt động GS, PBXH được MTTQ, các tổ chức CT-XH tổ chức thực hiện khoa học, nền nếp, đảm bảo theo chương trình, kế hoạch đề ra; lựa chọn nội dung, đối tượng phù hợp, kết quả sát đúng, kiến nghị khách quan, rõ ràng, góp phần làm chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Việc lựa chọn hình thức ngày càng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; tăng cường giám sát các vụ việc thường xuyên, đột xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì thành lập 5 đoàn giám sát thực hiện 5 nội dung đối với 1 sở, 2 cấp ủy huyện, 6 UBND cấp huyện và 2 cá nhân. Nội dung giám sát tập trung vào một số nội dung như: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; thực hiện kiến nghị của cử tri về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải, bảo bì thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; việc thực hiện Quyết định số 2543-QĐ/TU về quy định người đứng đầu.
MTTQ tỉnh phối hợp giám sát với Đoàn ĐBQH, thường trưc HĐND, các ban của HĐND, tham gia đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động giám sát của MTTQ các cấp; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Các tổ chức CT-XH cấp tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát theo các chuyên đề: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chế độ, chính sách đối với người lao động; việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; việc triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã trong việc quản lý vật tư nông nghiệp; việc thưc hiện Luật Thanh niên, Luật Trẻ em năm 2016…
MTTQ các cấp đã tổ chức 951 cuộc PBXH đối với các dự thảo văn bản của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó, phản biện bằng hình thức tổ chức hội nghị 159 cuộc, thông qua hình thức nghiên cứu văn bản 792 cuộc. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức PBXH đối với 16 dự thảo tờ trình của UBND, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; đề án của các sở, ngành cấp tỉnh. Kết quả PBXH được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao; đồng thời chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chọn lọc, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản dự thảo và cơ chế, chính sách.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã đề cập một số nội dung cụ thể như: Kiến nghị sau giám sát còn có nội dung chưa rõ, chưa thực sự thuyết phục; việc tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đồng đều, triệt để. Việc triển khai thực hiện công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp huyện, cấp cơ sở có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thực sự chủ động, có việc còn mang tính hình thức; kỹ năng giám sát vẫn còn hạn chế; giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được thường xuyên; hoạt động PBXH của MTTQ cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự rõ nét, chủ yếu thực hiện bằng hình thức đóng góp ý kiến là chính…
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy ghi nhận, biểu dương những kết quả MTTQ, các tổ chức CT-XH đạt được trong hoạt động GS, PBXH, nhất là các nội dung giám sát được lựa chọn có tính xác thực, đi vào nề nếp, bài bản.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác GS, PBXH tại cơ sở, như việc triển khai thực hiện công tác giám sát cấp cơ sở có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thực sự chủ động, có việc còn mang tính hình thức; kỹ năng giám sát vẫn còn hạn chế; nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát chưa rõ, chưa thực sự thuyết phục; việc tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đồng đều, triệt để; hoạt động phản biện xã hội của MTTQ cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự rõ nét, chủ yếu thực hiện bằng hình thức đóng góp ý kiến là chính…
Trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu MTTQ và các tổ chức CT-XH tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc trong cán bộ, đoàn viên, hội viên về hoạt động GS, PBXH; chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức CT-XH làm tốt công tác GS, PBXH. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền để theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị sau giám sát.
Hàng năm MTTQ, các đoàn thể CT-XH căn cứ vào các vấn đề thực tế của địa phương để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, trong đó MTTQ tăng cường giám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Trong quá trình thực hiện cần công khai minh bạch nội dung giám sát; đồng thời chú trọng việc thành lập đoàn giám sát, quan tâm dành thời gian nghiên cứu để báo cáo kết quả giám sát đạt chất lượng nhất. Bên cạnh đó tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ GS, PBXH, ý thức trách nhiệm cho cán bộ MTTQ và các tổ chức CT-XH.
Phan Nga