Thông qua “làn gió” của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được thổi hồn để trở thành những sản phẩm đặc trưng, đại diện cho đời sống sản xuất, văn hóa, sinh hoạt của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải phát triển chương trình này theo chiều sâu, trở thành đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đồng thời, chú trọng đến những sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng sức cạnh tranh và vị thế của sản phẩm OCOP Thanh Hóa trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Sản phẩm OCOP của huyện Lang Chánh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong chương trình của Hội LHPN tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định, phát triển nông nghiệp và XDNTM là một trong 6 chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, trong đó đẩy mạnh Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để phát triển các sản phẩm nông thôn có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu phát huy lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, Chương trình OCOP đã triển khai rộng khắp tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của các địa phương, gắn với đăng ký chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 326 chủ thể, gồm 72 doanh nghiệp, 98 HTX, 9 tổ hợp tác và 147 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia phát triển 436 sản phẩm OCOP. Trong đó, hầu hết các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định trong, ngoài tỉnh và có 25 sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Đây là những minh chứng rõ nét cho thấy, sức ảnh hưởng của chương trình đã thấm sâu, lan tỏa tới mọi thành phần kinh tế trong xã hội, trở thành phong trào thi đua sâu, rộng trong Nhân dân. Đồng thời, chất lượng của nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa luôn được đánh giá cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại “đất nghề” Thiệu Hóa, bằng sự linh hoạt, quyết liệt của chính quyền địa phương và sự chủ động của các chủ thể sản xuất, không chỉ những sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mà có hàng chục sản phẩm mới đã được gắn sao OCOP. Trong đó, có nhiều sản phẩm chất lượng như tỏi đen Suzin, măng muối Nghĩa Linh, ngũ cốc dinh dưỡng Lạc Lạc Plus… Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Với quyết tâm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân, thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời, lựa chọn, rà soát những sản phẩm tiềm năng ở các nhóm, ngành sản phẩm (ưu tiên những sản phẩm mới, có khả năng mở rộng thị trường) để hỗ trợ, phát triển. Trong đó, huyện luôn có cán bộ theo dõi sát sao, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm ý nghĩa, điển hình, gắn với thực tiễn. Đồng thời, có các giải pháp để định hướng, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề, tạo động lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ sự mới lạ, độc đáo của hệ thống sản phẩm OCOP huyện Thiệu Hóa, tháng 8/2023, UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức ký kết đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm lợi thế của huyện Thiệu Hóa vào hệ thống Siêu thị The City, với 9 sản phẩm được trưng bày, quảng bá và tiêu thụ theo hợp đồng”.
Được biết, Thiệu Hóa là địa phương duy nhất của tỉnh mà trong những tháng đầu năm 2023, tổ chức được 2 hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, với 15 sản phẩm được công nhận 3 sao. Lũy kế, huyện Thiệu Hóa đã có 28 sản phẩm OCOP trong đó, có 7 sản phẩm 4 sao và nhiều sản phẩm khẳng định được vị thế trên thị trường.
Sản phẩm OCOP 4 sao dưa vàng Vạn Hà (Thiệu Hóa) được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP. Song 11 tháng đầu năm đã phát triển được 144 sản phẩm mới thuộc các nhóm thực phẩm đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dược liệu, của 128 chủ thể sản xuất, vượt 20% kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy nhận thức, ý thức triển khai chương trình của các địa phương, chủ thể trên địa bàn tỉnh rất tích cực, chủ động. Sản phẩm ngày càng phát triển, đa dạng, không chỉ là sinh kế của người dân, mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương. Là sản phẩm OCOP mới năm 2023, song vịt Cổ Lũng đã trở thành “thương hiệu” hàng hóa nông nghiệp nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Pù Luông – Bá Thước đều mong muốn được thưởng thức. Hiện nay, Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng đang cung ứng giống vật tư, kỹ thuật nuôi VietGAPH cho 120 hộ dân trên địa bàn xã Cổ Lũng phát triển tổng đàn khoảng 30.000 con/năm để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng cho thị trường. Nhờ có kỹ thuật nuôi bảo đảm nên chất lượng sản phẩm vịt Cổ Lũng được người tiêu dùng đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, khi số lượng sản phẩm OCOP ngày càng tăng, việc quản lý, rà soát đánh giá sản phẩm ngày càng khó. Trong khi hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh có sức tiêu thụ lớn trên thị trường thì vẫn còn tình trạng những sản phẩm hết hiệu lực OCOP không chủ động đánh giá, xếp hạng lại. Nhiều sản phẩm khác còn không phát huy được hiệu quả sau công nhận… Để bảo đảm phương châm tổ chức thực hiện Chương trình OCOP theo chiều sâu, chất lượng, không chạy theo thành tích mà mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ, thì mỗi chủ thể có sản phẩm OCOP không chỉ bảo đảm giữ được chất lượng theo “sao” được công nhận mà còn phải chú trọng hoàn thiện và cải tiến để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh thị trường, từ đó mới tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trong triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và nhất là ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã chủ trương “không chạy theo số lượng”. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM nhấn mạnh: “Để hoàn thành mục tiêu phát triển hài hòa giữa lượng và chất trong xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải có kế hoạch phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Đơn vị cũng đang triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực của chủ thể về quản trị, về tổ chức sản xuất, về xúc tiến thương mại nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP. Đồng thời tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao”.
Bài và ảnh: Nhóm PV