Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định được vị thế trên “bản đồ” OCOP quốc gia. Với 436 sản phẩm được gắn sao, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP, sau TP Hà Nội. Song, cùng với việc hình thành được hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, thể hiện được những tiềm năng, lợi thế và nét riêng có của tỉnh Thanh, vấn đề đáng lưu tâm trong thực hiện Chương trình OCOP chính là sự phát triển hài hòa giữa “lượng” và “chất”.
Chế biến sản phẩm OCOP tổ yến chưng nhãn hiệu Yến Thanh của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến Sào Xứ Thanh (Hậu Lộc).
Lũy kế đến tháng 11/2023, Thanh Hóa đã có 436 sản phẩm OCOP, được đánh giá là địa phương “mạnh” trong bản đồ OCOP quốc gia. Tuy nhiên, chỉ 1 sản phẩm 5 sao (bằng 0,22%), sản phẩm OCOP 4 sao chỉ chiếm 12,84% (56 sản phẩm), còn lại là sản phẩm 3 sao (379 sản phẩm). Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tỷ lệ chuẩn, lí tưởng của chương trình là 60% sản phẩm 3 sao, 40% là sản phẩm 4 và 5 sao. Vẫn biết, để xây dựng và phát triển được sản phẩm 4 – 5 sao đòi hỏi chủ thể phải có sự đầu tư lớn cả về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Song, khi có quá nhiều sản phẩm 3 sao và nhiều sản phẩm cùng loại thì liệu hệ sinh thái sản phẩm OCOP của tỉnh có đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường?
Về điều này, ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, cho biết: “Theo quy định, sản phẩm OCOP được cấp từ 3 đến 5 sao. Hơn nữa, dù có nhiều sản phẩm tiềm năng nhưng các chủ thể chưa đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư sản xuất sản phẩm lớn về quy mô, mạnh về chất lượng và quảng bá. Nên xét theo các tiêu chí, số lượng sản phẩm đạt 3 sao vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn”.
Đến nay, hiệu quả của Chương trình OCOP với phát triển kinh tế nông thôn đã được khẳng định, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương. Chính vì vậy, phong trào xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Vinaco (TP Thanh Hóa), cho biết: “Là đơn vị đồng hành, hỗ trợ các chủ thể từ những ngày đầu tỉnh triển khai Chương trình OCOP, chúng tôi nhận thấy, việc phát triển mạnh sản phẩm OCOP ở khu vực nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với nâng cao đời sống, tư duy sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi các chủ thể khi tham gia nhưng chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu cụ thể của chương trình. Dẫn đến, tham gia triển khai rầm rộ như một hình thức thi đua, chứ thực chất chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm”.
Sản phẩm OCOP huyện Yên Định tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại.
Cùng là dưa vàng hay mật ong, nhưng mỗi huyện “chạy đua” số lượng nên phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Chất lượng mật ong trong một vùng với điều kiện nuôi và môi trường tương đồng, nhưng nhiều chủ thể có thể phát triển nhiều sản phẩm OCOP khác nhau – miễn là khác tên gọi được đặt cho sản phẩm. Bên cạnh việc phát triển hàng loạt sản phẩm cùng chủng loại, cùng hạng sao thì vấn đề phát triển những sản phẩm mang tính thời vụ thành sản phẩm OCOP liệu có đáp ứng được yêu cầu quảng bá, giới thiệu như kỳ vọng ban đầu của chương trình?
Huyện Yên Định, với nhiều sản phẩm nổi tiếng, như: Tương Làng Ái, bưởi Yên Ninh, đậu phụ vàng làng Yên Hoành, dưa cải Làng Lê… nên được đánh giá là có dư địa lớn để phát triển Chương trình OCOP. Và thực tế cho thấy, sau hơn 4 năm triển khai, huyện đã có 23 sản phẩm OCOP, song 100% là sản phẩm 3 sao. Trong đó, có nhiều sản phẩm thời vụ như dưa cải Làng Lê, bưởi đường Yên Ninh, dưa nếp Bạch Dương… Những sản phẩm được xác định là có thế mạnh, ưu thế đã được định vị trên bản đồ sản phẩm OCOP, song chưa tạo được đột phá. 100% sản phẩm của huyện đều đạt 3 sao khiến cho hiệu quả của chương trình chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: “Hiện nay, việc phát triển sản phẩm OCOP của huyện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, song chất lượng chưa cao, chưa có sản phẩm 4 – 5 sao. Để hướng tới nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025, cùng với cơ chế của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ riêng đối với từng hạng sao OCOP. Trong đó, ưu tiên nguồn lực và hỗ trợ tối đa cho các chủ thể phát triển sản phẩm chất lượng 4 sao, hạn chế những sản phẩm OCOP 3 sao mang tính tương đồng, không làm nổi bật được đặc trưng mang tính địa phương và sức tác động không lớn trong cộng đồng dân cư”.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP và ngay từ đầu năm, tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển mới sản phẩm cho các địa phương. Việc giao chỉ tiêu phát triển sản phẩm, gắn vào chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ vừa là động lực nhưng cũng là áp lực đối với các địa phương. Điều này khó tránh khỏi tình trạng “chạy đua” số lượng mà coi nhẹ chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, nhiều xã phải có sản phẩm OCOP để hoàn thành XDNTM nâng cao theo quy định nên có tình trạng bằng mọi giá tìm sản phẩm OCOP. Điều này vô hình chung dẫn đến sự “chín ép” trong phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Bá Thảo, chủ thể phát triển sản phẩm tôm nõn tươi Hiếu Thảo, xã Quảng Chính (Quảng Xương) cho biết: “Mặc dù chưa hoàn toàn đủ tiềm lực để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh (do còn thiếu đất xây dựng cơ sở chế biến) nhưng khi được UBND xã vận động, hỗ trợ phát triển để hoàn thành nhiệm vụ XDNTM nâng cao của xã, chúng tôi đã thuê mặt bằng tại thị trấn Tân Phong để chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, do nguồn lực không đủ lớn, không duy trì được việc thuê mặt bằng làm cơ sở chế biến nên hiện nay, sản phẩm chưa phát huy được hiệu quả, chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận không thay đổi so với trước khi được công nhận OCOP”.
Rõ ràng, mặt trái của việc phát triển ồ ạt sản phẩm OCOP theo phong trào, thành tích thì dễ coi nhẹ bản chất, giá trị thực của sản phẩm OCOP. Điều này đồng nghĩa sẽ có việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng, không chú trọng đến việc nâng sao, phát triển các sản phẩm có giá trị sao lớn.
Cũng theo ông Bùi Công Anh: “Tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển sản phẩm OCOP tại Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND năm 2021 của HĐND tỉnh. Ngoài ra các địa phương cũng có khuyến khích riêng cho các sản phẩm ở từng hạng sao khác nhau. Mặc dù không trực tiếp đánh giá, xếp hạng sản phẩm 3 sao như trước, song Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh vẫn thường xuyên theo dõi việc đánh giá xếp hạng sản phẩm của các địa phương; thực hiện kiểm tra việc duy trì, nâng cao chất lượng của các sản phẩm được công nhận, tổ chức xúc tiến quảng bá đối với sản phẩm OCOP…”.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Bài 2: Lãng phí danh hiệu OCOP.