Hệ thống thư viện từ cơ sở đến các trường học chính là nơi lưu giữ, cung cấp tri thức, hình thành và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Từ đó tạo “nền tảng” để xây dựng thành công xã hội học tập và học tập suốt đời. Chính vì vậy, thời gian qua các địa phương, trường học trong tỉnh đã quan tâm đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, sách báo để xây dựng, phát triển thư viện.
Mô hình “Thư viện thân thiện” tại Trường THCS Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).
Hiện nay, mạng lưới thư viện trên địa bàn tỉnh đã phủ đến hầu hết các thôn, xã, thị trấn, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố; 445 thư viện xã, phường, thị trấn, 3.292 thôn, bản, khu phố có phòng đọc sách báo làng. Những năm qua, để phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc, hệ thống thư viện, phòng đọc sách báo làng trong tỉnh đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng không gian đọc sách thoáng mát, rộng rãi, bổ sung số lượng đầu sách, tăng giờ mở cửa phục vụ bạn đọc. Phương thức hoạt động cũng ngày càng được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ các thư viện còn tích cực tổ chức các hoạt động trưng bày sách, triển lãm tranh ảnh theo các chủ đề, hình thức khác nhau; tổ chức ngày hội đọc sách; trưng bày sách, báo lưu động… Từ đó, khơi dậy tình yêu sách và lan tỏa tinh thần đọc sách trong cộng đồng.
Là một trong số những thư viện tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, Thư viện huyện Đông Sơn hiện có 22 nghìn đầu sách các loại. Tại đây, phòng đọc sách, báo luôn được sắp xếp một cách khoa học, gọn gàng, các đầu sách được phân loại theo từng nhóm như, sách tham khảo, sách truyện dành cho thiếu nhi, sách nâng cao dành cho học sinh… Những năm qua, nhằm hướng tới việc xây dựng môi trường đọc sách thân thiện và lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng, thư viện huyện đã không ngừng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng bổ sung làm phong phú thêm nguồn tài nguyên sách báo, tăng cường luân chuyển sách đến các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Thư viện huyện đã luân chuyển sách, báo xuống 4 xã Đông Quang, Đông Nam, Đông Tiến, Đông Thịnh, mỗi xã 400 đầu sách.
Ngoài các thư viện ở cơ sở thì hệ thống thư viện trong các trường học đã và đang phát triển mạnh, nhằm tạo dựng văn hóa đọc trong học sinh và giáo viên. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo trong tỉnh không ngừng quan tâm đầu tư, dành nguồn kinh phí để mua sắm và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thư viện trường học theo hướng “Thư viện thông minh”, “Thư viện xanh”, “Góc đọc sách ngoài trời”… Trong số đó, thư viện Trường THCS Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả, được xây dựng theo hướng “Thư viện thân thiện”. Hiện tại, thư viện trường có 2.180 đầu sách, với nhiều thể loại như, tài liệu học tập, sách tham khảo, sách nâng cao. Nhằm hiện đại hóa hệ thống thư viện, nhà trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện trường học, huy động các nhà tài trợ, doanh nghiệp ủng hộ trang thiết bị, giáo viên, học sinh quyên góp sách. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên dành nguồn kinh phí để mua sắm, bổ sung các đầu sách mới, phù hợp cho học sinh dễ dàng tra cứu và lựa chọn. Các hoạt động để thu hút học sinh đến đọc sách cũng được nhà trường thực hiện thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến học sinh về mục đích, ý nghĩa của phát triển văn hóa đọc, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu, thuyết trình về sách, tổ chức ngày hội đọc sách, các cuộc thi, hội thi giới thiệu về sách, thành lập các câu lạc bộ đọc sách trong nhà trường… Từ các hoạt động đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức đọc sách trong giáo viên và học sinh.
Thầy giáo Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Lộc cho biết: Hệ thống thư viện trong các trường học đóng góp không nhỏ trong việc chia sẻ kiến thức, lan tỏa văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh, từ đó thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay đa số các trường học trong huyện đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện trường học. Hàng nghìn đầu sách các loại, như sách tham khảo, sách nâng cao… đều được các nhà trường quan tâm mua sắm, hoặc luân chuyển để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh theo hướng hiện đại, nhiều trường học còn linh hoạt xây dựng “Thư viện điện tử”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp tài liệu giúp học sinh tiếp cận sách dễ dàng.
Có thể thấy rằng, hệ thống thư viện tại cơ sở và các trường học đã đóng góp tích cực trong việc lan tỏa thói quen đọc sách trong học sinh, cộng đồng, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng hiện nay nhiều thư viện cơ sở hoặc thư viện tại các trường học còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn tài liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đội ngũ cán bộ thư viện đôi lúc còn kiêm nhiệm nên chưa phát huy được năng lực chuyên môn trong việc tạo ra các hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút học sinh, người dân đến đọc sách. Các thư viện cũng chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu và tìm tài liệu… Bởi vậy, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, cả cộng đồng xã hội để thực hiện những giải pháp toàn diện, đồng bộ trong việc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hệ thống thư viện. Từ đó, thúc đẩy văn hóa đọc ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống, tạo “nền tảng” để xây dựng xã hội học tập.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt