Hiện nay, việc thực hiện các dự án, tiểu dự án theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ.
Gia đình ông Vi Văn Hữu, thôn Pà Ban, xã Thành Sơn (Bá Thước) xây dựng nhà từ năm 2022 nhưng đến nay chưa được nghiệm thu nhận tiền hỗ trợ từ Chương trình 1719. Ảnh: Lê Trung
Nhiều dự án, tiểu dự án giải ngân 0%
Thực hiện nội dung số 2 của Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Chương trình 1719 (gọi là Dự án 1), năm 2022, huyện Bá Thước thực hiện hỗ trợ 47 hộ làm nhà ở trên địa bàn 16 xã với tổng kinh phí 1,88 tỷ đồng. Đến nay, có 40 hộ đã hoàn thành xây dựng công trình nhà ở, còn 7 hộ đang tiếp tục thi công, hoàn thiện. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, các xã chưa thực hiện giải ngân hỗ trợ cho các hộ được thụ hưởng theo quy định. Theo ông Vi Văn Hữu, thôn Pà Ban, xã Thành Sơn (Bá Thước), năm 2022 gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Chương trình 1719 để xây dựng nhà ở kiên cố, nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ, do công trình chưa được nghiệm thu. Do chưa được nghiệm thu và nhận tiền hỗ trợ làm nhà khiến gia đình ông rất khó khăn, tiền vật liệu xây dựng vẫn nợ các đại lý cung cấp, thậm chí có đại lý tính lãi do nợ tiền vật tư xây dựng kéo dài chưa trả được. Vì vậy, gia đình ông rất mong các cấp, chính quyền giúp đỡ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để sớm nhận được tiền hỗ trợ theo quy định.
Theo tìm hiểu được biết, nội dung hỗ trợ nhà ở theo Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, năm 2022 toàn tỉnh được giao 13,56 tỷ đồng. Hiện nay, đã thực hiện hỗ trợ xây mới 24 hộ, sửa chữa cho 2 hộ của huyện Lang Chánh và đã có quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ 315 hộ, với tổng 12,56 tỷ đồng. Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được 1 tỷ đồng, đạt 7,4% kế hoạch vốn phân bổ. Phần lớn các huyện thực hiện nội dung này có kết quả giải ngân nguồn vốn đạt thấp, thậm chí nhiều địa phương giải ngân 0%. Là nội dung của Dự án 1 hỗ trợ chuyển đổi nghề do chưa có hoặc thiếu đất sản xuất, năm 2022 kinh phí được giao là 9,073 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có địa phương nào thực hiện được do tỉnh chưa ban hành định mức đất sản xuất. Hiện nay, Ban Dân tộc đang tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành định mức đất sản xuất để làm căn cứ triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất.
Đối với Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết trong giai đoạn năm 2021-2023 kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao là 33,389 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư 32,688 tỷ đồng (năm 2022 là 13,966 tỷ đồng; năm 2023 là 18,722 tỷ đồng). Nguồn vốn này thực hiện hỗ trợ cho 4 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh. Hiện nay, có 2/4 dự án của huyện Quan Sơn và Mường Lát đã được phê duyệt và đang thực hiện các bước tiếp theo; còn 2/4 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Đến tháng 10/2023, dự án mới đã giải ngân được 809 triệu đồng, bằng 2,5% kế hoạch phân bổ.
Ngoài ra, một số dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình 1719 ở một số địa phương không có đối tượng đăng ký tham gia nên không thể triển khai thực hiện. Đơn cử như: Năm 2023, huyện Thạch Thành được phân bổ 2,291 tỷ đồng để thực hiện các nội dung Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND huyện Thạch Thành cũng đã ban hành Công văn số 2663/UBND-DT ngày 4/8/2023 chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai rà soát nội dung, đối tượng để đăng ký thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua rà soát 21/21 xã không có đối tượng đăng ký thực hiện các nội dung của tiểu dự án này, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của Chương trình 1719.
Vốn giao nhanh, giải ngân chậm
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023 tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Chương trình 1719 là hơn 1.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2022 là 394,483 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 394,293 tỷ đồng, đạt 99,99% kế hoạch vốn giao. Vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2023 là 759,892 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 703,001 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, 10 tháng năm 2023, tiến độ giải ngân vốn giao thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 100,847 tỷ đồng, đạt 39,88%; vốn giao thực hiện năm 2023 đã giải ngân 102,334 tỷ đồng, đạt 14,56% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Người dân bản Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát) khát khao được hỗ trợ đào tạo nghề. Ảnh Lê Hợi
Theo Ban Dân tộc tỉnh – cơ quan Thường trực của Chương trình 1719, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn của các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719 còn thấp. Chương trình 1719 có nhiều nội dung mới, nhiều chính sách tích hợp với cơ chế khác nhau và nhiều tổ chức tham gia cùng thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung từ Trung ương đến cơ sở; trong khi công tác dân tộc là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nhạy cảm, phức tạp. Quy định, cơ chế, chính sách về Chương trình 1719 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn còn chưa rõ, nên tỉnh gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa kiên quyết, thiếu cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Công tác phối kết hợp giữa các ngành với các huyện trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án có nơi, có lúc chưa thường xuyên, trách nhiệm chưa cao. Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719 thực hiện trong các năm 2022, 2023 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Từ những bất cập trên khiến tiến độ giải ngân vốn của Chương trình 1719 đang diễn ra rất chậm. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Từ đó đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có những giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Lê Hợi – Đỗ Đức
Bài 2: Còn nhiều điểm nghẽn.