Trong khi rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh lại rất thấp. Việc triển khai những giải pháp tháo gỡ thật trọng tâm, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để tỉnh Thanh Hóa thành công trong “cuộc đua” thu hút đầu tư, cũng như để các nhà đầu tư hiện hữu yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH thang máy kỹ thuật điện AZ (KCN Tây Bắc Ga – TP Thanh Hóa).
Cùng nhà đầu tư tháo gỡ các “nút thắt”
Việc triển khai thu hút đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng KCN, CCN là định hướng lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm hình thành những mặt bằng “sạch” để đón đầu dự án. Tại Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các KCN giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này sẽ đầu tư hoàn chỉnh 2.000 ha tại các KCN. Cùng với đầu tư hạ tầng tại các KCN đã thu hút đầu tư, sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN mới như KCN số 1, KCN số 4, KCN số 6, KCN số 17 (KKTNS)… và một số KCN khác.
Chủ trương đầu tư các CCN cũng được hoạch định rõ với mục tiêu di chuyển các cơ sở sản xuất nhỏ trong dân cư, giảm ô nhiễm môi trường, hình thành các khu sản xuất tập trung, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, để hoàn thiện được các mục tiêu này, theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, các bộ, ngành có thẩm quyền từ Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh hơn tiến độ phê duyệt các quy hoạch liên quan; đồng thời tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy (PCCC)… để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa, kiến nghị: Bên cạnh thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục thuê đất kéo dài tới 2 – 3 năm thì DN còn gặp khó do các thủ tục về đầu tư, xây dựng. Theo Quy định tại Nghị định 68/2017NĐ-CP, các công trình xây dựng trong CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được thẩm định thiết kế thì được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế khi làm các thủ tục này thì cơ quan quản lý Nhà nước lại căn cứ các quy định Luật Xây dựng và các nghị định chuyên ngành dẫn tới các công trình trên lại không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, dẫn đến vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng. Cùng với đó, Nhà nước ban hành quy định mới về PCCC cũng đã làm phát sinh chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế, thẩm duyệt và đầu tư xây dựng mới lại hệ thống PCCC mới được nghiệm thu và đưa công trình vào vận hành.
Cùng với đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất trong tháo gỡ “nút thắt” về GPMB cần được đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 – chủ đầu tư hạ tầng khu B, KCN Bỉm Sơn kiến nghị: Trong tổng số 140 ha phải GPMB của dự án, có 21 ha gặp vướng mắc kéo dài do khó khăn trong công tác GPMB (bao gồm 13,7 ha đất công nghiệp, công cộng và 7,3 ha đất giao thông, cây xanh). Phần diện tích chưa GPMB này ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạng mục PCCC còn lại của dự án (tuyến cấp nước chính và tuyến cấp nước chữa cháy mạch vòng khép kín). Do đó, công ty kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung GPMB phần diện tích còn lại để đơn vị triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng PCCC theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tích cực, đẩy nhanh hơn tiến độ bồi thường, GPMB các dự án đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục; đồng thời báo cáo Chính phủ bổ sung chỉ tiêu diện tích đất lúa được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là các KCN, CCN đã thành lập”, ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiến nghị tại hội nghị chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án hạ tầng KCN, CCN mới đây.
Hạ tầng kỹ thuật CCN Bắc Hoằng Hóa được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án.
Được biết, nhằm gỡ khó về chỉ tiêu đất phát triển công nghiệp, căn cứ vào nhu cầu thực tế các dự án KCN, CCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đề xuất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp giảm thêm 31.494 ha; diện tích đất phi nông nghiệp tăng thêm 32.364 ha (trong đó đất KCN tăng thêm 6.173 ha lên con số 12.218 ha). Về kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp giảm 27.498 ha; diện tích đất phi nông nghiệp tăng 27.498 ha (trong đó đất KCN tăng thêm 4.728 ha). Những đề xuất này được tháo gỡ kịp thời, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ hội giải quyết những khó khăn trong cân đối, giao chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư các dự án hạ tầng KCN, CCN.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo địa phương và các nhà đầu tư hạ tầng cũng “hiến kế” thêm về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất nên ưu tiên phân bổ cho những địa phương, những dự án khả thi triển khai, tránh tình trạng nơi “làm thật” thì không được phân bổ, trong khi những nhà đầu tư năng lực yếu kém, có tư tưởng giữ đất “trông chờ” lại chiếm chỉ tiêu rồi để dự án chậm tiến độ kéo dài như thực trạng một số dự án hiện nay.
Tại các hội nghị chuyên đề, hội nghị giao ban, các chuyến khảo sát thực địa về tình hình triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư để thúc đẩy tiến độ đầu tư hạ tầng các dự án. Với các dự án KCN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu Ban Quản lý KKTNS và các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các KCN còn lại; giao các địa phương, đặc biệt là thị xã Nghi Sơn tập trung cho công tác GPMB, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai các dự án, sớm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Với các CCN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu Sở Công Thương thực hiện nắm bắt tiến độ thực tế hàng tháng, những khó khăn vướng mắc liên quan tới nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước sẽ được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết trực tiếp.
Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho BQL KKTNS và các KCN, Sở Công Thương thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tập trung vốn triển khai các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, PCCC tại một số KCN đang hoạt động. Yêu cầu chủ đầu tư ký cam kết giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện về tiến độ bố trí vốn đầu tư và công tác GPMB, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên nếu không thực hiện cam kết. “Các CCN đang triển khai đúng tiến độ cũng cần triển khai theo dõi tiến độ các hạng mục cụ thể theo biểu mẫu, kịp thời chủ động giải quyết những khó khăn phát sinh do nguyên nhân Nhà nước và báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền lên cấp tỉnh. Với các dự án chậm tiến độ nếu nguyên nhân không phải do vướng mắc các quy định của Nhà nước, đã được gia hạn nhưng chủ đầu tư không chủ động và tích cực phối hợp triển khai sẽ xem xét thu hồi dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nêu rõ.
Kỳ vọng từ một quyết sách
Từng là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI với 14,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước, tuy nhiên những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu “hụt hơi” trong cuộc đua này. Thành quả 140 dự án và 14,6 tỷ USD còn hiệu lực chủ yếu là thu hút từ những dự án lớn của nhiều năm về trước như: Nhà máy Xi măng Nghi Sơn vốn 650 triệu USD từ năm 1997, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hơn 9,3 tỷ USD từ năm 2008, hay như Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 với số vốn 2,8 tỷ USD cũng đã có từ trước năm 2018… Chỉ tính riêng 3 dự án nói trên đã chiếm tới khoảng 90% số vốn FDI lũy kế mà tỉnh ta thu hút được từ trước tới nay.
Nhà thầu thi công hoàn thiện mặt ngoài Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial của Công ty TNHH lốp COFO Việt Nam tại KCN Bỉm Sơn.
Thực tế những năm gần đây, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã rất nỗ lực trong các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư nhưng kết quả thu hút đầu tư vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới đạt 112,7 triệu USD; năm 2022 thu hút được 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký vỏn vẹn 71,2 triệu USD, thuộc diện thấp nhất khu vực Bắc Trung bộ. 10 tháng năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào tỉnh đạt 284,73 triệu USD, tăng gần gấp 3 so với cùng kỳ và đứng thứ 19 trong số các tỉnh, thành phố có vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới kết quả thu hút đầu tư của tỉnh bị một số địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh vượt qua chính là thiếu quỹ đất “sạch” tại các KCN, CCN để nhà đầu tư có thể triển khai dự án ngay. Tiến độ thực hiện một số dự án vốn đầu tư trong nước tại KKTNS cũng bị chậm trễ, điển hình như tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn do Công ty TNHH MTV Đức Giang – Nghi Sơn là chủ đầu tư vẫn chưa khởi công được, do vướng mắc một số thủ tục pháp lý và việc di dân tái định cư thôn Lâm Quảng ở ngoài hàng rào dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch triển khai của doanh nghiệp.
Nhằm tạo cuộc cách mạng hạ tầng tại KKNNS, tỉnh đã ban hành Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS với nguồn kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng; thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để triển khai đề án và trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB.
Theo phân kỳ đầu tư, từ năm 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung GPMB, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại các xã Anh Sơn và Các Sơn, với diện tích khoảng 23 ha, phục vụ di dân GPMB KCN số 20, đồng thời triển khai GPMB với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi KCN số 20. Từ năm 2023-2025, GPMB, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh, các phường Mai Lâm, Trúc Lâm, với tổng diện tích khoảng 57 ha, để chuẩn bị GPMB các KCN số 21 và số 6. Từ các năm 2025-2027 thực hiện GPMB KCN số 21, diện tích 395 ha và KCN số 6, diện tích 549 ha.
Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, những KCN trên có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển KKTNS nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Vị trí của 3 KCN này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu. Vì thế, việc “dọn đường” tạo mặt bằng “sạch” hứa hẹn sẽ là “đất lành” đón các nhà đầu tư lớn. Đây là quyết định mang tính đột phá, chiến lược, được xem như “cuộc cách mạng về hạ tầng” KCN, được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế dẫn đầu tại khu vực miền Trung về thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư FDI của tỉnh nhà.
Bài và ảnh: Minh Hằng