Không chỉ nổi tiếng với nghề nhuộm vải, làng Trinh Hà, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) còn có đền thờ Triệu Việt Vương – vua của nước Vạn Xuân, người kế nghiệp Lý Nam Đế đánh đuổi nhà Lương phương Bắc xâm lược…
Đền thờ Triệu Việt Vương. Ảnh: Vân Anh
Những ngày này, không khí xuân vẫn tràn ngập tại làng Trinh Hà. Từ đường làng, ngõ xóm rộn ràng tiếng trống, điệu hát,… để chuẩn bị cho lễ hội Kỳ phúc, lễ hội lớn nhất trong năm của làng, được tổ chức tại Di tích quốc gia đền thờ Triệu Việt Vương. Lễ hội thường niên được tổ chức từ 11 đến 13/2 âm lịch.
Lễ hội Kỳ phúc làng Trinh Hà tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh. Một trong những nét đặc sắc của lễ hội, được người dân háo hức nhất là hội thi nấu cơm, tái hiện tinh thần nuôi quân thời xưa. Mỗi đội tham gia thi gồm 3 thành viên: người quẩy gậy, người đun lửa nấu cơm và người chuẩn bị nguyên liệu, vừa đi vừa nấu. Thành viên của đội được làng chọn thường là những cặp trai gái, thanh niên tiêu biểu, có sức khỏe và sự khéo léo. Các đội mặc trang phục truyền thống.
Chiếc quẩy cơm dùng trong hội thi đầu có hình rồng, phượng, nét đẹp văn hóa này được người làng giữ gìn đã hàng trăm năm, thể hiện lòng tự hào, tưởng nhớ vua Triệu Việt Vương. Trên gậy có treo chiếu dóng bằng thép, mang theo một chiếc niêu nhỏ đựng gạo và nước. Khi tiếng trống khai cuộc vang lên, các đội bắt đầu vừa đi vừa nấu cơm vòng quanh sân đình. Các thành viên có sự phối hợp nhịp nhàng trong từng bước chân, nhịp thở để niêu cơm được cân bằng, nước không chắt ra ngoài, lửa được giữ ổn định, để cơm chín tới ngon dẻo, bùi ngậy. Nồi cơm chiến thắng sẽ được dâng lên cúng tế Triệu Việt Vương. Nồi cơm còn lại sẽ được mọi người chung vui liên hoan ngay tại sân đình. Ông Đỗ Minh Nghĩa, Trưởng làng Trinh Hà, vui vẻ cho biết: “Hội làng là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, từ đó cùng tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng… Năm nào hội cũng được tổ chức trong không khí vui tươi, đầm ấm”.
Theo các vị cao niên, Trinh Hà là tên mà vua Triệu Việt Vương đặt cho làng. Tương truyền, trong thời kỳ xây dựng bản doanh tại đây, binh lính trong đoàn có trêu đùa các cô gái, tuy nhiên các cô không bông đùa theo mà vẫn luôn giữ dáng vẻ “thục nữ” của con gái nhà lành. Thấy vậy, vua liền đổi tên từ Vạn Hà thành Trinh Hà, chữ “Trinh” với ý nghĩa khen ngợi đức hạnh, tinh khôi của người phụ nữ.
Thời bấy giờ, người dân trong làng đều ủng hộ nghĩa quân. Trong đó có hai người rất hảo tâm đã giúp tiền của và lương thực. Hai người giúp Triệu Quang Phục được dân gian gọi là “Già Nuôi đại vương” và “Xã U vương”. Trên văn bia làng Trinh Hà do Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh soạn năm 1897 còn ghi: Triệu Việt Vương đóng quân lúc hành quân tên là Quang Phục. Quãng năm Đại Đường nhà Lương, ông cùng với cha là Triệu Túc, làm quan thời Tiền Lý. Gặp giặc Lâm Ấp vào cướp nước ta, vua sai làm tướng đuổi đánh. Đóng quân ở ngách sông Tây Hà (còn gọi là sông Kim Trà, sông Ấu, sông Dọc), cùng quân giặc đánh nhau ở châu Cửu Đức, phá tan quân giặc, được phong Đại Việt tướng quân. Vài năm sau vua Lý Nam Đế bị quân Lương đánh thua, chết ở động Khuất Liêu (Khuất Lạo). Triệu Việt Vương bèn đem quân đánh phá tướng giặc nhà Lương là Dương Sàn và lên làm vua” (theo sách Địa chí văn hóa Hoằng Hóa).
Đến nay, dấu ấn của cuộc khởi nghĩa vẫn còn lưu tên ở những cánh đồng, đường đi lối lại trong làng. “Triệu Việt Vương đã xây dựng bản doanh ở Trinh Hà để làm căn cứ chống giặc Lương phương Bắc và giặc Lâm Ấp phương Nam. Đến nay các cánh đồng và đường đi ở vùng này còn những tên gọi mang dấu ấn lịch sử như đồng Bản Phủ, đồng hạ Mã, đường Cán Cờ, hang Trống, hang Chiêng…” (Sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Hoằng Trung).
Ghi nhớ công lao to lớn, người dân làng Trinh Hà đã lập đền thờ Triệu Việt Vương, trước đây còn có tên gọi là nghè “Quốc tế”. Năm 1879 dưới thời Tự Đức, đền được tôn tạo to đẹp vào hạng nhất nhì trong huyện. Đền được dựng trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có nghinh môn 3 tầng, chính tẩm bề thế. Tầng 3 của nghinh môn vẫn còn lưu 4 chữ “Nam thiên cổ miếu” (tức miếu cổ trời Nam). Thời đó, có các nghệ nhân làng Trinh Hà tham gia tu bổ đền như ông Phạm Văn Sắc, Đỗ Văn Bơn, nổi tiếng một thời với các bức khắc chạm mảng phù điêu công phu, tinh xảo. Trải qua thời gian, đến nay, đền thờ Triệu Việt Vương đã trở thành điểm thờ cúng linh thiêng của làng Trinh Hà và các vùng lân cận.
Đền thờ Triệu Việt Vương nổi bật với kiến trúc gỗ tinh xảo. Những cột đá vững chãi cùng cột gỗ lim chắc chắn được bàn tay khéo léo của người thợ mộc xưa kia tạo nên, giúp di tích chống đỡ ngoại lực tác động. Các mảng chạm khắc gỗ là linh vật mang biểu tượng sức mạnh đặc trưng như hổ phủ, rồng, lân…
Ông Đỗ Văn Chân (80 tuổi), người gắn bó trông coi đền hơn 30 năm cho biết: “Do là đền thờ nhà vua, nên việc tế lễ trước đây diễn ra rất long trọng. Vào những kỳ đại tế, phải có quan đầu tỉnh làm chủ tế, bên cạnh còn có quan phủ, quan huyện và quan viên chức sắc trong vùng. Tại đền thờ còn lưu giữ đôi câu đối, đại ý: Khi xưa là nơi đóng quân, nay là miếu thờ linh thiêng/ Trên thì nhà vua, dưới thường dân muôn năm thờ cúng”.
Bên cạnh đó, làng Trinh Hà xưa còn nổi tiếng với nghề nhuộm. Vải nhuộm của làng nức tiếng một thời tại các chợ Kẻ Quăng, chợ Huyện, chợ Bút… Nghề nhuộm là nguồn thu nhập chính, giúp người dân làm giàu thời bấy giờ.
Đến nay, làng Trinh Hà hay còn gọi là thôn Trinh Hà đã trở thành vùng quê kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp. Đây là thôn thứ 2 của xã về đích NTM kiểu mẫu. Hiện, đời sống người dân trong làng ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Vân Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dat-lang-trinh-ha-240336.htm