Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn, không chỉ tác động sâu sắc đến năng lực lãnh đạo, quản lý của bộ máy các cấp, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Song, đây là nhiệm vụ rất phức tạp, nhiều thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt rất cao của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.
Sáp nhập thành công huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương liên quan.
Nhiệm vụ trọng tâm
Trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam, Đảng ta đã sớm quan tâm đến việc xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt, đứng trước yêu cầu đổi mới đất nước, nhiệm vụ “xây dựng bộ máy gọn nhẹ, chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội”, đã được đề cập rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986). Tiếp đó, qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể chậm được sắp xếp lại, tinh giản và nâng cao chất lượng; đồng thời, còn nhiều biểu hiện quan liêu, vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của Nhân dân. Do vậy, mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân.
Trên tinh thần đó, đến nhiệm kỳ Đại hội XII, việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy được đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”…
Có thể nói, với những quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng và những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiến hành một cách quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Trong đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương đã và đang triển khai nghiêm túc, bài bản, với nhiều thành quả rất quan trọng đã đạt được.
Để đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhanh chóng được hiện thực hóa, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy chế làm việc, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó, kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm không bỏ sót, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì. Ngoài ra, tỉnh cũng phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bố trí sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Xác định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ phức tạp, nhiều thách thức, do đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa xác định cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Đặc biệt trong đó, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt và cách làm bài bản, nên sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã và đang được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm số lượng lãnh đạo, với nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Nhiều kết quả quan trọng
Một “điểm sáng” trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của tỉnh Thanh Hóa, trước hết phải kể đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, giảm 76 xã; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Với con số ấn tượng đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước. Đáng nói hơn, không chỉ hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thôn (giảm 12% số đơn vị hành chính cấp xã và 26,5% số thôn, tổ dân phố); mà qua đó còn góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở. Đồng thời, cơ cấu, bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Qua đó, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tạo nguồn lực cải cách tiền lương, nâng cao phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội của các địa phương…
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 và Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, tiến hành nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, giảm 1 huyện; sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã, giảm 12 xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố) và 547 đơn vị hành chính cấp xã. Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng được tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ ở các khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương, với nhiều kết quả quan trọng đạt được.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế. Trong đó, trọng tâm là cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. Đây là quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, cũng đồng thời là một trong những nội dung trọng tâm, được tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện. Theo đó, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW (giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức)…
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được những kết quả rất quan trọng, song việc rà soát, đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vốn là việc phức tạp, thậm chí là nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến con người. Thực tế cho thấy, việc sắp xếp cán bộ (cấp trưởng và cấp phó) ở các cơ quan, đơn vị sáp nhập vẫn còn gặp khó khăn. Trong khi đó, ở một số địa phương sáp nhập đơn vị hành chính vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cộng đồng khu dân cư. Biên chế bố trí cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ, định mức quy định của bộ, ngành Trung ương về số lượng biên chế, số người làm việc, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế (chẳng hạn, ngành y tế cần bổ sung gần 1.000 biên chế để bố trí cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn; ngành giáo dục cần bổ sung hơn 10.000 biên chế giáo viên các cấp…). Đó là chưa kể, với chỉ tiêu biên chế được giao, một số cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ, công chức ít, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Thị trấn Thiệu Hóa được mở rộng quy mô sau khi sáp nhập xã Thiệu Phú.
Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện ở một số nơi cho thấy, vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại của các cơ quan, đơn vị. Một số địa phương, đơn vị, người đứng đầu chưa thật sự mạnh dạn, thẳng thắn, khách quan trong quản lý, sử dụng, đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở thực hiện tinh giản biên chế…
Thực trạng trên đã và đang đặt ra yêu cầu về nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số địa phương, đơn vị về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, cần phải được nâng cao hơn hơn bao giờ hết. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong hành động. Chỉ có như vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mới đạt được cái đích thực sự là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Bài 2: Tinh gọn đầu mối, giảm cồng kềnh bộ máy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-so-18-nq-tw-tien-de-xay-dung-bo-may-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-bai-1-chu-truong-lon-quyet-tam-cao-234401.htm